1. Chứng khoán

Sau cú sốc năm 2022, Hòa Phát của 'vua thép' Trần Đình Long bứt phá

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này tăng vọt 51% so với cùng kỳ, từ mức 2.000 tỷ đồng lên 3.022 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, HPG ghi nhận lợi nhuận tăng 2,4 lần lên 9.210 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đây là kết quả tích cực đối với ông lớn số 1 ngành thép Việt Nam trong bối cảnh giá thép tăng mạnh, nhu cầu thép cũng cải thiện. Hiện thép đóng góp 85% lợi nhuận cho HPG, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.

Sau năm 2022 đầy khó khăn, Hòa Phát đang bứt tốc. Ảnh: Hoàng Hà

Về doanh thu, Tập đoàn Hòa Phát đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng trong quý III, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (28.766 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105 nghìn tỷ đồng doanh thu tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (85.431 tỷ đồng), hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024.

Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt số nộp cả năm 2023.

Hòa Phát từng trải qua năm 2022 đầy khó khăn khi kết quả kinh doanh lao dốc. Năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 8.095 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, giảm 26.077 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

HPG đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm.

Tuy nhiên, áp lực từ hàng nhập khẩu vẫn đang hiện hữu, nhất là từ Trung Quốc.

Theo bản tin được Hiệp hội thép Việt Nam chia sẻ, Trung Quốc đã tăng xuất khẩu trong những năm gần đây do công suất sử dụng ở mức hơn 80% trong khi nhu cầu trong nước giảm.

Việc Trung Quốc nhanh chóng gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thép giá rẻ sang nhiều thị trường khu vực trong hai năm qua đã làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới với khả năng leo thang hơn nữa, trong khi giá thép toàn cầu có khả năng vẫn ở mức thấp.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 21,3% so với tháng 7 và 14,7% so với cùng kỳ năm trước đạt 9,5 triệu tấn, mức cao thứ ba kể từ đầu năm 2024.

Xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc đang trên đà vượt 100 triệu tấn trong năm 2024, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Ngọc Cương

Tin khác