1. Tài chính

Sắp áp dụng quy định mới về tín dụng cho người chấp hành xong án tù

Quyết định 22 là văn bản của Thủ tướng Chính phủ, quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Đối tượng áp dụng gồm Ngân hàng Chính sách xã hội; khách hàng vay vốn là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng vay vốn và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Hoạt động cho vay thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: T.L

Đối tượng vay vốn được quy định trong Quyết định 22 là người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Mức vốn vay đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Trường hợp đối tượng vay là cơ sở sản xuất kinh doanh thì mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn để thỏa thuận với khách hàng vay vốn.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Về hình thức đảm bảo tiền vay

Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề và vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

Chí Tín

Tin khác