Saigonres (SGR) nguy cơ vỡ kế hoạch năm, bán 20 triệu cổ phiếu lấy tiền trả nợ
Saigonres (SGR) phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch HĐQT
Vừa qua, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (Mã: SGR) đã thông qua lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với 2 nội dung là bầu bổ sung thành viên HĐQT cùng kế hoạch huy động vốn bằng phương án phát hành riêng lẻ.
Cụ thể, Saigonres đã miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Kiềm Minh Long, bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Quyên vào vị trí thành viên HĐQT.
Đáng chú ý, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với số lượng lên tới 20 triệu cổ phiếu. Giá trị phát hành là 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá thị trường của mã SGR hiện tại. Cổ phiếu mới phát hành sẽ được chuyển nhượng cho chủ tịch HĐQT Phạm Thu, đồng thời bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Nếu phương án phát hành diễn ra thành công, SGR dự kiến thu về 800 tỷ đồng. Công ty sẽ dùng 500 tỷ trong đó để đầu tư dự án "khu đô thị sinh thái Việt Xanh" và 300 tỷ còn lại dùng để thanh toán các khoản nợ vay đến hạn.
Đồng thời sau giao dịch, ông Phạm Thu sẽ nâng sở hữu từ 17,96 triệu cổ phiếu lên 37,96 triệu cổ phiếu, tương đương 47,45% vốn điều lệ.
Về dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh, đây là dự án do Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Hòa Bình, một công ty con của Saigonres làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với quy mô 49,92 ha, tổng vốn đầu tư 833 tỷ đồng.
Thua lỗ nửa đầu năm 2024, SGR khó hoàn thành kế hoạch năm
Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm Saigonres ghi nhận tổng doanh thu 60,2 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 25,4 tỷ đồng, cao gấp 3 lần kết quả năm 2023.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 49,7 tỷ xuống chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính lại bị đổi lên hơn 4 tỷ đồng, chiếm 17,7 tỷ. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay, cho thấy áp lực từ các khoản vay của công ty đang gia tăng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng thời tăng từ 7,9 tỷ lên 33,1 tỷ đồng. Phần chi phí trội lên này đã đẩy Saigonres tới kết quả thua lỗ 22,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế và các khoản chi phí khác, SGR báo lỗ 23,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn đang lãi 31 tỷ.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Saigonres cho biết chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do công ty phải trích lập dự phòng phải thu theo đề nghị của kiểm toán.
Trong năm 2024, SGR đặt mục tiêu kinh doanh năm với lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng. Với khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên tới hơn 20 tỷ đồng, SGR gần như chắc chắn bị vỡ kế hoạch kinh doanh năm.
Nợ phải trả áp đảo vốn chủ sở hữu
Về cơ cấu tài sản của Saigonres, tại cuối Quý 2/2024 công ty ghi nhận tổng tài sản đạt 2.094,1 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 79,7 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn hiện đang chiếm tới 936,3 tỷ đồng cho thấy gần một nửa tài sản của Saigonres đang "nằm trên giấy". Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng đang chiếm 519,6 tỷ đồng, giảm hơn so với cùng kỳ.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cũng đang có xu hướng áp đảo vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả chiếm 1.202,2 tỷ đồng, tương đương 57,4% tổng nguồn vốn.
Trong đó, công ty đang vay nợ ngắn hạn 311 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 96,6 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu hiện chỉ chiếm 892 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm khoảng 254,4 tỷ đồng.
Bích Diễm