S&P 500 và Dow Jones quay đầu giảm điểm, giá dầu hạ nhiệt
Kết thúc phiên 25/9, chỉ số Dow Jones giảm 293,47 điểm (-0,70%) xuống 41.914,75 điểm, S&P 500 mất 10,67 điểm (-0,19% còn 5.722,26 điểm và Nasdaq Composite nhích nhẹ 7,68 điểm (+0,04%) thành 18.082,21 điểm.
Dow Jones trượt khỏi mốc cao kỷ lục do chịu áp lực từ đà suy giảm của cổ phiếu Amgen. Nhà sản xuất thuốc này đã mất 5,46% sau loạt dữ liệu không mấy khả quan về hai loại thuốc mới.
9 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, đáng chú ý nhất là ở lĩnh vực năng lượng, giảm 1,9%. Ngành công nghệ đi ngược xu hướng với mức tăng 0,5%, được hỗ trợ bởi động lực từ Nvidia (+2,14%).
Apple giảm 0,52% do doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc giảm trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu được một tổ chức nghiên cứu liên kết với chính phủ công bố.
Cổ phiếu của Citigroup, Bank of America và JPMorgan & Chase đều có tác động tiêu cực đến chỉ số ngân hàng, khiến chỉ số này mất 0,93%.
Ford và General Motors đồng loạt giảm hơn 4% sau khi Morgan Stanley hạ mức khuyến nghị về hai nhà sản xuất ô tô này.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,42 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,69 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Trước đó, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong tháng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm hôm 18/9, từ đó thúc đẩy niềm tin vào khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo tâm lý tiêu dùng yếu kém mới đây đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng các điều kiện tài chính lỏng lẻo hơn có thể làm bùng phát lạm phát và ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới đầu tư đang đặt cược 57,4% cho khả năng Fed sẽ cắt giảm thêm 0,50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
Báo cáo số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 8, dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần này, sẽ được các thị trường theo dõi chặt chẽ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Thị trường Kho bạc New York vào tối thứ Năm.
GIÁ DẦU HẠ NHIỆT
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm hơn 2% vào thứ Tư khi lo ngại về gián đoạn nguồn cung ở Libya đã giảm bớt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi nhu cầu yếu kém ở Trung Quốc bất chấp các kế hoạch kích thích mới nhất của chính phủ nước này.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,71 USD, tương đương 2,27%, xuống còn 73,46 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,87 USD, tương đương 2,61%, xuống còn 69,69 USD/thùng.
Libya đã có những bước tiến đầu tiên để giải quyết tranh chấp về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu dầu mỏ, cụ thể là một thỏa thuận về quy trình bổ nhiệm thống đốc mới. Đây vốn là vấn đề đã khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Libya bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua.
“Việc giải quyết các tranh chấp ở Libya có thể khôi phục nguồn cung dầu đáng kể, còn nguy cơ ngừng sản xuất tại khu vực vùng Vịnh của Mỹ chỉ là tạm thời”, chiến lược gia ngành năng lượng Clay Seigle cho biết.
Ở một diễn biến khác, mặc dù Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính mạnh mẽ vào đầu tuần này, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng cần phải có thêm nhiều chính sách kích thích hơn nữa để thúc đẩy hoạt động kinh tế tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.
“Sự không chắc chắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tăng trưởng bền vững của nhu cầu, từ đó gây áp lực lên giá dầu”, George Khoury, người đứng đầu toàn cầu về giáo dục và nghiên cứu tại CFI Financial Group nhận xét.
Kim Nguyễn