1. Chứng khoán

S&P 500 và Dow Jones chốt phiên ở mức cao kỷ lục sau cuộc họp của Fed

Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Dow Jones tăng 431,63 điểm (+1,03%) lên 42.512,00 điểm, S&P 500 thêm 40,91 điểm (+0,71%) đạt 5.792,04 điểm và Nasdaq Composite leo 108,70 điểm (+0,60%) thành 18.291,62 điểm.

S&P 500 đạt mức đóng cửa kỷ lục đầu tiên trong tháng 10, tuy nhiên, đây là lần thứ 44 trong năm 2024. Lần gần nhất Dow Jone lập kỷ lục là vào ngày 4/10 vừa qua.

9 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều tăng điểm, duy chỉ có lĩnh vực tiện ích và dịch vụ truyền thông mất lần lượt 0,9% và 0,6%.

Cổ phiếu của Alphabet, một trong những công ty có giá trị nhất trên thị trường, đã giảm 1,5% sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ có thể yêu cầu Google phải bán bớt các bộ phận kinh doanh, bao gồm trình duyệt Chrome và hệ điều hành Android, để hạn chế vị thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm.

Cổ phiếu của Boeing mất 3,4% do các cuộc đàm phán giữa công ty và công đoàn đã thất bại.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba Group giảm 1,6%, PDD Holdings trượt 2,3% khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới hay không.

Trong số những cổ phiếu tăng điểm, Norwegian Cruise Line “nhảy vọt” 10,9% nhờ tin tức Citi nâng xếp hạng của công ty lên cấp độ “Mua”. Đối thủ Carnival và Royal Caribbean cũng bổ sung thêm 7% và 5,2%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,09 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,04 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, trong biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố, phần lớn các quan chức ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, cũng có sự đồng thuận chung về việc động thái này không có nghĩa là Fed sẽ phải tuân thủ theo một tốc độ cắt giảm lãi suất cụ thể trong tương lai.

Theo CME's FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khoảng 79% khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 21% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11.

Thị trường đang chờ đợi dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào sáng thứ Năm và mùa báo cáo lợi nhuận quý ba, bắt đầu vào ngày thứ Sáu với các ngân hàng lớn của Mỹ.

Giao dịch trong tuần này có phần biến động khi các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về lộ trình lãi suất của Fed sau báo cáo việc làm tháng 9 đáng chú ý, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt hơn so với lo ngại trước đó.

GIÁ DẦU GIẢM NHẸ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu hạ nhiệt sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy lượng dự trữ dầu thô tăng, tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung do xung đột Trung Đông và cơn bão Milton.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 60 cent, tương đương 0,8%, xuống còn 76,58 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 33 cent, tương đương 0,5%, còn 73,24 USD/thùng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dự trữ dầu thô đã tăng thêm 5,8 triệu thùng lên 422,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với dự đoán tăng 2 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò với Reuters.

Dù vậy, diễn biến giảm mạnh hơn dự kiến trong dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giúp hạn chế bớt các tác động tiêu cực lên giá dầu, ông Bob Yawger, giám đốc hợp đồng tương lai dầu tại Mizuho chỉ ra.

Các thị trường vẫn lo ngại về khả năng Israel sẽ tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, ngay cả sau khi có thông tin về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng giữa Hezbollah và Israel.

Kim Nguyễn

Tin khác