RCC chuyển hướng niêm yết trên sàn HNX
Không thể niêm yết sàn HoSE sau nhiều năm lên kế hoạch
RCC ấp ủ kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ năm 2022, nhằm cải thiện thương hiệu, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông. Nhưng sau mấy năm không thể thực hiện, quý IV/2024, RCC bất ngờ chuyển hướng sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và đã nộp hồ sơ niêm yết hơn 32,06 triệu cổ phiếu trên sàn HNX từ ngày 15/10.
Được biết, thông thường giá trị giao dịch trên sàn HoSE gấp 13,2 lần sàn HNX và tổng vốn hóa sàn HoSE gấp 14,5 lần tổng vốn hóa sàn HNX.
Thêm nữa, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp có xu hướng niêm yết ở sàn lớn nhất là HoSE và sàn HNX chỉ là lựa chọn thứ hai khi không niêm yết được trên sàn HoSE, do gần đây, HoSE khắt khe hơn về điều kiện niêm yết mới.
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT lý giải việc chuyển kế hoạch niêm yết sang sàn HNX xuất phát từ đánh giá tình hình chung của thị trường hiện nay và kế hoạch sáp nhập hai sở giao dịch.
Như vậy, trên lý thuyết, nếu niêm yết thuận lợi trên sàn HNX, đồng thời hai sàn HNX và HoSE hợp nhất, thì mặc nhiên, RCC niêm yết trên sàn HoSE.
Tuy nhiên, thực tế việc hợp nhất sàn HNX với HoSE chỉ mới là kế hoạch, để triển khai còn phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Vì vậy, quyết định niêm yết sàn HNX, thay vì HoSE, có thể là bước lùi đối với RCC.
Được biết, trước khi nộp hồ sơ niêm yết sàn HNX, thì RCC đã chính thức niêm yết hơn 15,4 triệu cổ phiếu đầu tiên trên sàn UPCoM. Trong đó, cổ phiếu RCC gần như không có thanh khoản (trung bình trong 20 phiên gần nhất, mỗi phiên chỉ có 700 - 1.000 cổ phiếu được khớp lệnh).
Việc không có biện pháp cải thiện thanh khoản, đồng thời niêm yết trên sàn HNX - nơi lượng giao dịch tương đương sàn UPCoM, nhưng vốn hóa thấp hơn nhiều - là thách thức để RCC có thể thu hút nhà đầu tư và gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu.
Thực tế trên sàn chứng khoán, muốn thu hút nhà đầu tư giao dịch, bên cạnh việc tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, thực hiện các cam kết với cổ đông, doanh nghiệp còn phải duy trì được thanh khoản nhất định để nhà đầu tư dễ dàng mua bán. Trong đó, riêng đối với trường hợp của RCC, nhà đầu tư hiện nay rất khó có thể mua - bán cổ phiếu do thanh khoản rất thấp.
Nợ vay lớn dần cùng với việc mở rộng kinh doanh
Theo tìm hiểu, RCC được thành lập từ năm 1973, thực hiện cổ phần hóa năm 2005 và đang hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường sắt, hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, Công ty đang tập trung thi công các công trình và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ các dự án.
Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công khi triển khai triển khai các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; cùng nhiều dự án như đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM… là cơ sở để RCC tiếp tục bám sát để tham gia đấu thầu.
Tuy nhiên, giống như nhiều công ty xây dựng khác, tiềm lực tài chính của RCC có hạn khi những năm qua, đơn vị này gia tăng đáng kể nợ vay, trong khi quỹ tiền mặt còn không quá lớn do liên tục tăng tồn kho, cũng như các khoản phải thu ngắn hạn để triển khai các dự án trúng thầu những năm trước đó.
Trong đó, từ ngày 31/12/2021 đến ngày 30/6/2024, RCC tăng nợ vay 46,3% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 97,56 tỷ đồng, lên 308,9 tỷ đồng và bằng 75,7% tổng vốn chủ sở hữu (đầu kỳ dư nợ vay 210,6 tỷ đồng và bằng 58,3% tổng vốn chủ sở hữu).
Ngược lại, lượng tiền mặt chỉ còn 165 tỷ đồng, nhưng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn từ ngày 31/12/2021 đến ngày 30/6/2024 tăng 46,3% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 251,04 tỷ đồng, lên 792,93 tỷ đồng và bằng 72,5% tổng tài sản.
Như vậy, nếu muốn tiếp tục tham gia đấu thầu hàng loạt dự án mới trong thời gian tới, nhiều khả năng, RCC tiếp tục phải gia tăng nợ vay, đồng thời phải tìm cách huy động vốn mới để có thể có vốn đối ứng triển khai nhiều dự án cùng lúc.
Duy Bắc