Rạp chiếu phim toàn cầu kỳ vọng phục hồi từ các bom tấn mùa đông
Bộ phim hành động mới nhất của Dwayne ‘The Rock’ Johnson là Black Adam là một trong số nhiều bom tấn sắp được phát hành được các nhà điều hành rạp phim hy vọng giúp đảo ngược nhiều tháng kinh doanh bết bát.
Theo nhà dự báo phòng vé Cinelytics, khoảng 15% doanh thu của năm nay sẽ thuộc về nhóm phim mùa đông Black Adam, Black Panther: Wakanda Forever và Avatar: The Way of Water.
Thực tế trong thời gian qua, Black Adam là bộ phim đầu tiên có doanh thu trên 50 triệu USD kể từ Thor: Love and Thunder ra rạp vào tháng 7. Đây cũng là lần đầu tiên tổng doanh thu phòng vé vượt qua con số 100 triệu USD toàn cầu trong một ngày cuối tuần kể từ giữa tháng 7.
Theo Comscore, số lượng phim đã được mua trong mùa đông tại hơn 2.000 rạp trên khắp nước Mỹ đang hồi phục gần với mốc 112 phim phát của năm 2019. Hiện đã có 84 phim được lên lịch chiếu vào năm 2023, 73 phim trong năm nay và con số cuối cùng dự kiến sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lo ngại hơn về việc thiếu các bộ phim kinh phí trung bình khiến lượng khán giả đến rạp liên tục. Trong những tháng gần đây, các nhà khai thác đã phải mua bản quyền phim từ các nền tảng phát trực tuyến để giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Rạp phim hồi phục chậm chạp
Shawn Robbins, nhà phân tích chính của Box Office Pro, dự đoán sẽ mất nhiều thời gian trước khi tổng số phát hành hàng năm đạt đỉnh 792, mức trước đại dịch. Robbins cho biết: “Chúng tôi biết những bộ phim bom tấn sắp ra mắt, nhưng cần phải có nhiều bộ phim phát hành cấp thấp đến tầm trung hơn, như phim hài và phim kinh dị để lấp đầy rạp".
Tobias Queisser, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Cinelytics, cho rằng doanh thu trước đại dịch sẽ mất khoản thời gian lâu mới có thể quay trở lại, dự đoán sớm nhất phải đến năm 2025. Theo Financial Times, từ đầu năm tới nay, việc khan hiếm phim bom tấn để thu hút khán giả đến với màn ảnh rộng dẫn tới doanh thu phòng vé ngày càng xa mức trước đại dịch.
Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cấp cao của Comscore cho biết: “Công nghiệp điện ảnh đang tiến triển rất chậm chạp. Dù đã có chút tăng trưởng vào đầu mùa hè với bộ phim Top Gun, các rạp phim vẫn không thể hồi phục".
Gower Street Analytics gần đây đã giảm dự báo doanh thu năm 2022 trên khắp các thị trường từ Mỹ và quốc tế, ngoại trừ Trung Quốc, xuống còn 21,8 tỷ USD, chỉ bằng 2/3 doanh thu năm 2019. Cineworld, công ty đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9 vừa qua, thừa nhận việc phục hồi doanh số của họ sẽ mất ít nhất 2 năm nữa. Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh từ các dịch vụ phát trực tuyến và sự thay đổi trong thói quen xem phim của người dùng do Covid-19, sẽ khiến một số nhà khai thác trở nên khốn khổ hơn trong thời gian tới.
Thị trường Việt Nam cũng chứng kiến những việc tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung của CJ CGV Việt Nam, cho biết doanh thu 4 tháng đầu năm của thị trường điện ảnh Việt Nam chỉ đạt 50% so với thời kỳ trước dịch năm 2019 và đạt 70% so với năm 2018.
Một phần lý do là trong giai đoạn này là danh sách phim ít và không có nhiều bom tấn lớn, đặc biệt vào 2 dịp lễ quan trọng là Tết Nguyên đán thì Hà Nội và một số tỉnh khác chưa cho phép rạp hoạt động trở lại; còn kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thì chưa mang lại doanh thu đột phá.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam, cũng đồng tình rằng điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vừa trải qua 2 năm khó khăn vì Covid-19, lượng khán giả quay trở lại với CGV mới đang dần khôi phục. Từ đầu năm 2022 cho đến nay, lượng khách đến CGV hiện đạt khoảng 60-70% so với trước dịch.
Thay đổi trong dịch vụ
Vào đầu những năm 2000, các bộ phát sóng tại nhà đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điện ảnh. David Hancock, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về điện ảnh tại công ty Omdia cho rằng: “Đã có dấu hiệu phân cực nhu cầu xung quanh màn hình nhỏ và màn hình lớn và dịch vụ cao cấp, tương tự như Imax.
Hancock nói: “Đối thủ cạnh tranh chính của rạp chiếu phim không phải là Netflix, mà là tất cả các dịch vụ có thể kéo khách hàng ra khỏi nhà. Rạp phim phải cạnh tranh với tất cả những điều đó cả về dịch vụ lẫn giá cả".
“Màn hình tiêu chuẩn với 125 chỗ ngồi, vốn là rạp chiếu phim trong 25 năm qua đã lỗi thời. Đó là loại màn hình mà người dùng có thể chọn chỉ xem phim ở nhà”, ông nói thêm. Số lượng màn hình của họ tăng gần gấp đôi lên hơn 7.000 màn hình lớn trong vòng 5 năm qua.
Philip Knatchbull, Giám đốc điều hành chuỗi rạp chiếu phim nghệ thuật Curzon tại Vương quốc Anh, cho biết từ lâu ông đã tin rằng thế giới đang “chiếu quá nhiều” và rất nhiều rạp chiếu phim không thực sự phù hợp với cái mới, một mô hình kinh doanh mới.
Các rạp phim cao cấp, màn hình lớn, với âm thanh sống động hoặc màn hình toàn cảnh, đang ngày càng thu hút một lượng lớn người xem phim trên toàn cầu.
Tại Anh và Mỹ, các rạp chiếu phim ăn uống cao cấp cũng tăng trưởng trở lại nhanh hơn các đối thủ. Thương hiệu rạp chiếu phim Everyman có trụ sở tại Anh, cung cấp ghế sofa sang trọng và dịch vụ bồi bàn cho đồ ăn và thức uống, đã tăng thị phần lên 4,5% trong nửa đầu năm 2019.
Alex Scrimgeour, Giám đốc điều hành Everyman Media Group cho biết: “Everyman là một rạp chiếu phim, nhưng đó là tổng thể của tất cả các phần của nó. Chúng tôi sẽ đưa mọi người đến một buổi tối lãng mạn, với đồ ăn và thức uống. Khách hàng sẽ không chỉ thưởng thức một bộ phim, nó còn hơn thế nữa”.
Ông nói rằng với mô hình này, Everyman ít phụ thuộc hơn vào các bộ phim bom tấn. Khoản lỗ trước thuế của Everyman thu hẹp từ 9,2 triệu bảng xuống còn 798.000 bảng trong sáu tháng đầu năm nay.
Tương tự, rạp chiếu phim Alamo Drafthouse có trụ sở chính tại Texas, phục vụ các bữa ăn đầy đủ với các suất chiếu, đang mở rộng sang năm địa điểm mới trong vòng 18 tháng tới trên khắp nước Mỹ. Shelli Taylor, Giám đốc điều hành của Alamo, cho biết: “Rạp chiếu phim kết ăn uống sẽ vượt trội hơn và sẽ là loại hình rạp chiếu phim đang phát triển nhanh chóng nhất ở Mỹ".
Bảo Trung