Hãng chip Trung Quốc rơi vào tình cảnh hỗn loạn, buộc sa thải nhân viên quốc tịch Mỹ
Một kỹ sư cấp cao của YMTC nói rằng, nhân sự người Mỹ là chìa khóa trong sự đột phá của công ty này với dây chuyền sản xuất chip nhớ Nand. Hiện chưa rõ đã có bao nhiêu công dân Mỹ và nhân sự có thẻ xanh bị buộc rời khỏi công ty.
Động thái diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty vi xử lý tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đang đẩy nhanh tốc độ ứng phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ mà Mỹ đưa ra hồi đầu tháng.
Các hãng cung cấp thiết bị đúc chip hàng đầu của Mỹ như Lam Research, Applied Materials và KLA Corporation đã dừng bán hàng và cung cấp dịch vụ cho các nhà sản xuất bán dẫn ở Đại lục. ASML, công ty trụ sở Hà Lan cũng thông báo dừng phục vụ khách hàng Trung Quốc để đánh giá các biện pháp trừng phạt.
Quy định mới của Washington yêu cầu bất kỳ công dân hoặc tổ chức của Mỹ, phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại nước này khi tham gia vào quá trình hỗ trợ, sản xuất tại các xưởng đúc chip của Trung Quốc. Điều này bao gồm hàng trăm kỹ sư gốc Hoa học tập và đào tạo tại Mỹ trước khi trở về Đại lục.
Simon Yang, Giám đốc điều hành kỳ cựu của YMTC, người mang hộ chiếu Mỹ, đã phải từ chức ngay trước khi có thông báo về lệnh trừng phạt. Triển vọng mở rộng thị trường của nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, nhằm cung ứng sản phẩm bán dẫn cho điện thoại iPhone của Apple, cũng đã tắt do sức ép chính trị và lệnh trừng phạt mới từ bên kia bán cầu.
Tình hình hỗn loạn
Các nguồn tin cho biết, biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ đã khiến YMTC rơi vào tình trạng hỗn loạn khi không có nhiều lựa chọn. “Yêu cầu nhân viên nghỉ việc là cần thiết cho cả công ty cũng như đối với rủi ro cá nhân”. Nguyên nhân là do Bộ Thương mại Mỹ gần như chắc chắn sẽ từ chối mọi đơn xin cấp phép.
“Các nhân viên buộc phải lựa chọn từ bỏ quốc tịch hoặc bỏ việc”, một giám đốc điều hành cho hay.
Một doanh nghiệp chip nhà nước trụ sở tại Thượng Hải cũng cho biết, họ đang đàm phán cho nghỉ việc những nhân sự quốc tịch Mỹ không sẵn sàng từ bỏ quốc tịch.
“Trước mắt chúng tôi đang yêu cầu nhân viên người Mỹ làm việc từ xa cho đến khi có quyết định cuối cùng”.
Không chỉ vậy, các công ty Trung Quốc còn đứng trước bài toán xây dựng dây chuyền sản xuất không sử dụng công nghệ và nhân sự Mỹ, trong bối cảnh nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tại Đại lục đang rất thiếu.
Quy định mới đã “giảm một nửa số lượng ứng viên sẵn có vào các vị trí cấp cao tại xưởng đúc chip, cũng như các nhà máy sản xuất công cụ”, một nhà tuyển dụng giấu tên tại Thượng Hải cho hay.
Hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy, các giám đốc người Mỹ đang chiếm đa số tại các vị trí lãnh đạo cấp cao ở những công ty sản xuất và cung ứng bán dẫn hàng đầu.
Thế Vinh (Theo FT)