1. Tài chính

Quy định mới về lãi suất tiết kiệm

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2411 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 20/11 tới.

Lãi suất tiết kiệm trên 6 tháng do các ngân hàng tự ấn định (ảnh: Như Ý).

Ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 13/11, trên thị trường ngân hàng xuất hiện một nhà băng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với các kỳ hạn khác nhau.

Cụ thể, Ngân hàng Viet A Bank tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên mức 3,7%/năm; lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,4%/năm lên mức 3,9%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm, lên 4%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 4-5 tháng cũng tăng thêm 0,3%/năm lên 4,1%/năm.

Lãi suất tiết kiệm 6 - 8 tháng tăng 0,4%/năm lên mức 5,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng tăng 0,6%/năm lên 5,4%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên 5,7%/năm; lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 15 tháng cũng tăng lên 5,8%/năm; lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 và 24 tháng lần lượt tăng thêm 0,2% và 0,1%/năm, hiện được niêm yết tại mức 5,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng chạm mốc 6%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm.

Sau điều chỉnh, ngân hàng Viet A Bank chính thức nằm trong số các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm bao gồm: NCB, OceanBank, PVCombank, Bac A Bank, Saigonbank, BVBank, ABBank.

Viet A Bank cũng là ngân hàng dẫn đầu thị trường về mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn khi niêm yết mức lãi suất trên 4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm 4-5 tháng.

Trước đó, từ đầu tháng 11 trở lại đây, có tới 7 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bao gồm: Viet A Bank, VIB, MB, Techcombank, ABBank, Agribank và VietBank.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước, tính chung cả năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1%) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09%) so với cuối năm 2023.

Nhìn vào diễn biến lãi suất thời gian qua, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5%, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm nhẹ vào cuối năm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn còn áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm thu hút vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và cơ cấu huy động vốn thiếu linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc duy trì lãi suất.

Theo các chuyên gia, các kỳ hạn ngắn và trung hạn luôn là phân khúc nóng nhất trong bảng lãi suất. Đặc biệt, nếu gửi tiền tiết kiệm qua kênh trực tuyến thì khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm ở hầu hết các ngân hàng.

Ngọc Mai

Tin khác