Quản lý chặt thị trường vàng, cân đối tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống
Tại sao bình ổn vàng chỉ bán, không mua?
Sáng 11-11, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm tới công tác quản lý thị trường vàng. Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, biến động trên thị trường vàng tại Việt Nam cũng là diễn biến chung như các nước trên thế giới. Từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, dẫn tới giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng theo. Từ tháng 6-2024, giá vàng quốc tế xác lập đỉnh.
Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức 9 phiên đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn chênh lệch ở mức cao. Để thu hẹp nhanh khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển sang phương án bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Nhờ vậy, trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước từ 15 đến 18 triệu đồng/lượng, nay chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng. Việc thu hẹp mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng.
"Tuy nhiên, thị trường vàng sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến để đưa ra chính sách ổn định thị trường vàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Trả lời câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ bán chứ không mua vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cung cấp vàng miếng ra thị trường. Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện giải pháp tăng cung vàng, chưa đặt vấn đề mua lại.
Hiện nay, trong hệ thống kinh doanh, mua-bán vàng miếng có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vẫn mua-bán vàng miếng bình thường. "Còn câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì một vài lý do nào đấy, như về cân đối dòng tiền nên không mua", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Về kiến nghị thành lập sàn vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thế giới có nước thành lập sàn vàng, có nước không thành lập. Việc thành lập sàn vàng có những mặt tích cực, như minh bạch giao dịch, đáp ứng nhu cầu mua-bán vàng của người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn. Tuy nhiên, muốn thành lập sàn vàng thì phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phải có sự phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, từ đó tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam.
Tham gia giải trình về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ đã có một số giải pháp và chỉ đạo thực hiện mua-bán vàng đúng pháp luật. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, chống buôn lậu. "Chúng ta đã phát hiện hai đường dây buôn lậu đến hơn 6 tấn vàng", Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng khi cho vay
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, toàn hệ thống tín dụng Việt Nam huy động tới 80% là vốn ngắn hạn nên khả năng cho vay với thị trường bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc an toàn. "Quan trọng nhất là mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn, cả hệ thống phải an toàn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có quy định cấm cho vay bất động sản", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích, vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có rất nhiều nguồn, như vốn tự có, vốn vay ngân hàng, vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, vốn vay nợ...
Hiện nay cũng có cơ chế để doanh nghiệp có khả năng thì tự vay, tự trả vốn của nước ngoài. Do vậy, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc để tiếp cận nguồn vốn phù hợp. Khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay, phải có khả năng trả nợ, phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, 97-98% doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên thị trường... "Cho nên trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng nhưng cũng có những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, chưa có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi cho nên không tiếp cận được tín dụng. Vì thế, cần phải có giải pháp tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Thuốc lá điện tử gây loạn thần, có lỗ hổng quản lý thời gian dài
Chiều cùng ngày, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Một trong những vấn đề nhận được rất nhiều câu hỏi là quản lý đối với thuốc lá điện tử. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh.
Kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Điều đáng nói là nhu cầu cũng như thực tế sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em gái đang tăng lên.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là gây loạn thần. "Năm 2023 đã có 1.234 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chúng ta có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh và bị ảnh hưởng sức khỏe bởi thuốc lá bình thường, giờ thêm liên quan tới thuốc lá điện tử thì là mối nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân, nhất là giới trẻ", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Do vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm cần sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiến nghị, trước mắt, Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thống nhất với kiến nghị trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết để cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...
* Ngày 12-11, Quốc hội tiếp tục chương trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tín dụng
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng; triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; sớm có chính sách cơ cấu lại thời gian, thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, sạt lở đất...
CHIẾN THẮNG