PNJ báo lãi quý III giảm 15% do mở rộng đầu tư và đóng thuế
PNJ “hầu như không có hoạt động mua bán vàng miếng”
Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ), ghi nhận doanh thu thuần 7.130 tỷ đồng trong quý III, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 216 tỷ đồng, giảm 15% so với quý III/2023 và giảm gần một nửa so với quý II trước đó.
Theo giải trình, PNJ cho biết việc giảm lợi nhuận trong quý III đến từ 2 nguyên nhân chính là công ty đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, triển khai kế hoạch phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh và thị phần theo chiến lược phát triển. Đồng thời công ty thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Lũy kế 9 tháng, công ty kinh doanh trang sức ghi nhận doanh thu gần 30.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.382 tỷ đồng, tăng 25% và 3% so với cùng kỳ 2023, nâng mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối kỳ này lên 2.570 tỷ đồng.
So với kế hoạch năm 2024, PNJ đã thực hiện được gần 79% chỉ tiêu doanh thu và hơn 66% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.
Về hoạt động kinh doanh theo từng kênh, doanh thu trang sức bán lẻ trong 9 tháng tăng gần 16%, nhờ sự tăng trưởng của các phân khúc thị trường mà PNJ đang phục vụ.
Doanh thu từ trang sức bán sỉ cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, do khách hàng sỉ chuyển hướng mua hàng từ các nhà sản xuất chính quy. Đáng chú ý, doanh thu vàng 24K trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh 44%, chủ yếu nhờ thị trường vàng sôi động trong nửa đầu năm.
Biên lợi nhuận gộp của PNJ trong quý III đạt 17,5%, tăng nhẹ so với mức 17,3% của cùng kỳ năm 2023, nhờ kênh bán lẻ trang sức tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu (69,8%). Tuy nhiên, tính lũy kế 9 tháng năm 2024, biên lợi nhuận gộp trung bình giảm xuống còn 16,7%, so với mức 18,4% cùng kỳ năm trước.
Theo PNJ, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức khá là nhờ các yếu tố như biên lợi nhuận ổn định từ kênh bán lẻ và bán sỉ, cùng với các biện pháp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực sản xuất. Điều này giúp bù đắp cho sự suy giảm biên lợi nhuận gộp do tăng tỷ trọng doanh thu từ vàng 24K.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện nay, trên toàn hệ thống PNJ hầu như không có hoạt động mua bán vàng miếng do thiếu hụt nguồn cung. Người dân chủ yếu mua vàng nhưng rất ít khi bán lại.
VDSC cũng cho biết chưa có dấu hiệu thay đổi trong chính sách quản lý từ các cơ quan chức năng, và mục tiêu quản lý thị trường vàng vẫn không thay đổi. Dự kiến, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng miếng sẽ tiếp diễn trong những năm tới.
Đơn vị này dự báo, từ năm 2025 trở đi, PNJ sẽ không còn doanh thu từ mảng kinh doanh vàng miếng. Trên thực tế, trong nhiều báo cáo kinh doanh, doanh nghiệp cũng nhận định vàng miếng không phải mảng chính của PNJ và không đem về nhiều lợi nhuận. Mảng cốt lõi của doanh nghiệp vẫn là bán lẻ trang sức, và đơn vị này sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.
Trong một báo cáo khác của Chứng khoán An Bình (ABS), thị trường bán lẻ và bán sỉ trang sức sẽ tốt hơn vào tháng 9 và quý IV nhờ bắt đầu vào cao điểm mùa cưới, nhu cầu tiêu thụ trang sức sẽ tăng lên và các khách hàng sỉ chuẩn bị hàng cho tết Ất Tỵ sắp tới.
“Nhờ mạng lưới cửa hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, chiến lược marketing thúc đẩy bán hàng và tăng độ nhận diện thương hiệu đa dạng, hiện đại, tận dụng công nghệ, năng lực sản xuất lớn, chúng tôi cho rằng nhu cầu đối với sản phẩm của PNJ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất sẽ là yếu tố chính khiến doanh thu 2025 giảm”, ABS cho hay.
Về tình hình tài chính, tính đến hết quý III, PNJ có tổng tài sản gần 15.000 tỷ đồng, trong đó 72% là hàng tồn kho (chủ yếu là thành phẩm và hàng hóa). Doanh nghiệp cũng có gần 2.400 tỷ tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn tại ngân hàng.
Đồng thời, PNJ cũng có hơn 4.400 tỷ nợ phải trả, trong đó gần 1.500 tỷ là vay nợ tài chính.
Trong gần 600 tỷ các khoản phải trả ngắn hạn khác có tới 480 tỷ đồng phải trả cổ tức, hơn 60 tỷ chi thưởng HĐQT và Ban điều hành.
Liên quan đến cổ phiếu PNJ, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ, đã đăng ký bán ra 500.000 cổ phiếu PNJ theo phương thức thỏa thuận khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 14/10 đến 12/11.
Nếu giao dịch thành công, ông Thông sẽ giảm sở hữu tại PNJ từ hơn 1,7 triệu cổ phiếu xuống còn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,36% vốn điều lệ của công ty. Lý do bán cổ phiếu được ông Thông cho biết là để đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Bà Đặng Thị Lài, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc cao cấp của PNJ, đồng thời là thành viên Hội đồng thành viên của một công ty con, cũng đăng ký bán 600.000 cổ phiếu PNJ trong khoảng thời gian từ ngày 14/10 đến 30/10. Nếu giao dịch thành công, bà Lài sẽ giảm số cổ phiếu sở hữu từ 2,46 triệu xuống còn 1,86 triệu, tương đương 0,55% vốn điều lệ của công ty.
Trang Mai