1. Chứng khoán

Phố Wall chờ báo cáo lợi nhuận từ Nvidia; Dầu trượt giá 1%

Target dẫn đầu đà giảm nhóm cổ phiếu bán lẻ

Khép phiên, chỉ số S&P 500 gần như đi ngang ở mức 5.917,11 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones tiến 139,53 điểm, tương đương 0,32%, lên 43.408,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,11% còn 18.966,14 điểm.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Nvidia, công ty được yêu thích về trí tuệ nhân tạo (AI). Kết quả kinh doanh có thể có ý nghĩa hơn một số báo cáo kinh tế quan trọng với vốn hóa thị trường 3.6 ngàn tỷ USD của nhà sản xuất chip này và chúng có thể định hình xu hướng cho thị trường trong thời gian còn lại của tuần. Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm thông tin chi tiết về nhu cầu đối với con chip AI Blackwell, được CEO Jensen Huang mô tả vào tháng trước là “điên rồ”.

Nhà đầu tư đã xem báo cáo này như một yếu tố xúc tác tiềm năng để thúc đẩy thị trường trong thời gian còn lại của năm, sau sự suy yếu trong đợt leo dốc hậu bầu cử đã thúc đẩy các chỉ số chính lên các mức đỉnh mới. Chứng khoán Mỹ đã gặp khó khăn vào tuần trước khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell ra tín hiệu rằng ngân hàng trung ương không vội vàng hạ lãi suất. Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine cũng khiến thị trường hoang mang hôm 19/11.

Trong một tin tức khác, cổ phiếu nhà bán lẻ Target đã “bốc hơi” 21% sau khi công bố mức lợi nhuận không đạt như kỳ vọng lớn nhất trong 2 năm và hạ triển vọng cả năm do nhu cầu hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm và áp lực chi phí.

Kết quả kinh doanh gây thất vọng của Target đã gây áp lực lên các cổ phiếu bán lẻ quan trọng khác, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Retail ETF giảm gần 1%. Cổ phiếu Dollar Tree sụt 2,6%, còn cổ phiếu Dollar General mất 4,2%. Cổ phiếu Five Below rớt 1,7%. Cổ phiếu gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon hạ gần 1%.

Dầu giảm khi dự trữ xăng dầu tại Mỹ tăng mạnh

Kết phiên, hợp đồng dầu Brent mất 50 xu, tương đương 0,68%, xuống 72,81 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 52 xu, tương đương 0,75%, còn 68,87 USD/thùng.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tuần trước, qua đó gây áp lực lên giá dầu.

Góp phần làm tăng nguồn cung, Equinor của Na Uy cho biết đã khôi phục toàn bộ công suất sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup ở Biển Bắc sau sự cố mất điện.

Nhu cầu suy yếu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn, với các thông báo kích thích kinh tế của Trung Quốc không thể thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu trong ngắn hạn.

Xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu trong tương lai đã giúp duy trì mức giá sàn, bù đắp ở một mức độ nào đó lo ngại về triển vọng nhu cầu toàn cầu.

Nguồn cung toàn cầu có thể trở nên khan hiếm hơn nữa, với việc OPEC+ có khả năng sẽ đẩy lùi việc tăng sản lượng một lần nữa khi nhóm họp vào ngày 01/12 do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Yên Huỳnh

Tin khác