Phiên ngày 7-10, thanh khoản cổ phiếu tiếp tục giảm
Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, tổng giá trị giao dịch đạt gần 12.000 tỷ đồng, giảm so với mức xấp xỉ 14.000 tỷ đồng cuối tuần trước.
Thanh khoản giảm khi nhà đầu tư không mua vào một cách quyết liệt mà có phần thận trọng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, khi mua gần 890 tỷ đồng và bán trên 1.227 tỷ đồng.
Sau giờ mở cửa, thị trường có nhịp tăng khá tốt khi VN-Index tăng gần 8 điểm, lên sát mức 1.280 điểm. Tuy nhiên, sau khi đạt mức trên, sức cung có phần gia tăng khiến đà tăng của thị trường chậm lại. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index tăng 4,25 điểm, lên mức 1.274,85 điểm.
Sang phiên chiều, lúc đầu thị trường duy trì sắc xanh, song từ 13h43, lực cung gia tăng khiến chỉ số đại diện sàn về mức tham chiếu và hiện sắc đỏ, có lúc hạ hơn 5 điểm. Về cuối phiên, lực cầu cải thiện giúp thị trường giảm chậm lại. Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.269,93 điểm, giảm 0,67 điểm (-0,05%); VN30-Index hạ 0,73 điểm (-0,05%), còn 1.335,48 điểm.
Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 202 mã giảm giá. Tại nhóm VN30, số mã tăng-giảm giá lần lượt là 11 mã và 16 mã.
Nhóm ngành giảm điểm chiếm ưu thế song mức giảm không mạnh. Ba ngành tiện ích, dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe giảm trên 1%.
Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm, truyền thông giải trí, dịch vụ tài chính tăng trên 1%. Đây là 3 trong số tổng cộng 10 ngành tăng điểm ở phiên này.
VNM là mã lấy đi nhiều điểm số nhất từ chỉ số VN-Index với gần 0,7 điểm; tiếp đến là VCB (0,4 điểm), VHM (0,31 điểm), HDB (0,31 điểm).
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng có đóng góp lớn trong việc giúp thị trường giảm chậm lại khi có 7 mã nằm trong top 10 mã đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index, gồm STB, CTG, MSB, TCB, TPB, LPB, MBB; trong đó STB đóng góp nhiều nhất với 0,32 điểm.
Trên sàn Hà Nội, đóng cửa phiên, HNX-Index về mức 232,47 điểm sau khi hạ 0,21 điểm (-0,09%); trong khi HNX30-Index tăng 1,21 điểm (0,24%), lên mức 508,21 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Hương Thủy