Phiên giao dịch sáng 23/10: VHM và EIB bị chốt lời
Trong phiên giao dịch hôm qua (22/10), sau phiên sáng giằng co, bên nắm giữ cổ phiếu bất ngờ tung lệnh bán mạnh trong phiên chiều, nhất là sau thời điểm 14h, khiến VN-Index lao mạnh và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất 1 tháng.
Những bệ đỡ của thị trường trong thời gian qua cũng chịu áp lực bán trong phiên này nên quay đầu giảm hoặc hạ độ cao, trong đó VHM vẫn trụ vững khi có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên. So với mức đóng cửa 7/10, cổ phiếu VHM có mức tăng hơn 17%, còn nếu so với mức đáy của năm xác lập phiên 5/8, cổ phiếu VHM tăng gần 40%.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù đầu phiên vẫn nhích nhẹ, nhưng áp lực chốt lời sau đó gia tăng mạnh, trong khi lực cầu đã dè dặt hơn sau chuỗi tăng mạnh vừa qua khiến VHM quay đầu điều chỉnh với mức giảm mạnh nhất nhì trong rổ VN30.
Trong khi đó, 2 người anh em còn lại trong họ Vingroup là VIC và VRE lại không đi theo diễn biến của VHM, mà lại đi theo chiều ngược lại, trong đó VIC đang “bay cao” với mức tăng hơn 3%, có lúc còn tăng 5% lên 44.300 đồng, cao nhất trong rổ VN30, còn VRE cũng theo sau với mức tăng 1,1%.
Trên toàn sàn, sắc đỏ đang chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng nếu xét riêng các mã bluehcip trong rổ VN30 thì lại đang có sự cân bằng, do đó VN-Index trong nửa đầu phiên sáng nay cũng chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Sau phiên giảm mạnh chiều qua, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong phiên sáng nay khiến không chỉ VN-Index lình xình trong biên độ hẹp, mà thanh khoản cũng chỉ ở mức thấp.
Sau đó, lực bán gia tăng, khiến đà tăng của VIC bị thu hẹp đi phân nửa, VRE cũng chỉ còn sắc xanh nhạt, đẩy VN-Index về 1.263 điểm. Tuy nhiên, cũng rất nhanh lực mua nhập cuộc kéo một số mã bluechip khác quay đầu tăng, giúp VN-Index hồi phục dần về gần tham chiếu dù VHM vẫn giảm mạnh và đà tăng của VIC, VRE bị thu hẹp.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 1,51 điểm (-0,12%), xuống 1.268,38 điểm với 150 mã tăng và 183 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 299,6 triệu đơn vị, giá trị 7.184,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18 triệu đơn vị, giá trị 380,4 tỷ đồng.
Trong rổ VN30, VIC chỉ còn tăng 2,73% lên 43.350 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị, tiếp đến là PLX tăng 1,44% lên 42.400 đồng, STB tăng 1% lên 35.350 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị. MSN, FPT và POW tăng từ hơn 0,8% đến gần 0,9%, trong khi VRE chỉ còn tăng 0,81%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VHM giảm 2,38% xuống 47.100 đồng, có lúc giảm xuống 46.500 đồng, khớp tới 19,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, có 4 mã giảm trên 1% là MWG, VPB, GVR và BID. Bên cạnh đó, HDB giảm hơn 0,9%, HPG và GAS giảm trên 0,7%...
Về các nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài STB tăng 1%, còn có 3 sắc xanh nhạt tại OCB, LPB và VCB, cùng với MBB và TPB đứng giá. Trong khi đó, có 3 mã giảm hơn 1% là EIB, VPB, BID. Trong đó, EIB sau 5 phiên tăng tốt cũng bị chốt lời và quay đầu điều chỉnh 1,39% xuống 21.300 đồng.
Nhóm chứng khoán có giao dịch tích cực hơn khi sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ, nhưng mức biến động giá của các mã không lớn.
Nhóm bất động sản, DIG là mã tăng mạnh nhất với 3,95% lên 21.050 đồng, tiếp đến là SGR tăng 3,11% lên 43.100 đồng, VRC tăng 3,04% lên 7.800 đồng, PDR tăng 2,87% lên 21.500 đồng, NLG tăng 2,75% lên 39.200 đồng…
Nhóm thép có SMC tăng 3,98% lên 7.830 đồng, DTL tăng 1,67% lên 12.200 đồng và HSG tăng 0,25% lên 20.300 đồng. Bên cạnh đó có 4 mã giảm là TLH, HPG, HMC và TNI; số còn lại đứng giá.
Về thanh khoản, VIB là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 20 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,27% xuống 18.700 đồng.
HNX cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu, sau đó có nhịp giảm tạo đáy của phiên giống như VN-Index sau đó hồi lên tham chiếu, nhưng cuối cùng không thể giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,04%), xuống 225,41 điểm với 54 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,9 triệu đơn vị, giá trị 338,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay HNX chỉ có 2 mã có thanh khoản bằng triệu đơn vị là SHS khớp 5,4 triệu đơn vị và CEO khớp hơn 3 triệu đơn vị. Trong đó, SHS giảm 1,37% xuống 14.400 đồng, trong khi CEO tăng 2,65% lên 15.500 đồng. Trong khi đó, dù không khớp tới 1 triệu đơn vị, nhưng DDG đứng thứ 3 về thanh khoản với 0,88 triệu đơn vị và đóng cửa tăng kịch trần lên 3.000 đồng, còn dư mua trần.
UPCoM cũng giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,18%), xuống 91,57 điểm với 97 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,1 triệu đơn vị, giá trị 417 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,8 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng.
UPCoM sáng nay chỉ có duy nhất BSR khớp hơn 1 triệu đơn vị (1,14 triệu đơn vị), đóng cửa tăng 0,46% lên 21.700 đồng.