1. Tài chính

Phiên bản mới của động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh hơn dự báo. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Edge Malaysia, Nhà kinh tế Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành Centennial Asia Advisors (Mỹ), nhận định Mỹ tiếp tục là động cơ quan trọng đối với tăng trưởng của các nền kinh tế trên toàn cầu. Mỹ đã gây ngạc nhiên cho ngay cả những nhà dự báo lạc quan nhất khi nền kinh tế nước này đã tăng trưởng vượt dự báo, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt nhất trong 40 năm qua, tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới chính nền kinh tế này.

Hơn thế nữa, nền kinh tế Mỹ cũng đã vượt qua được cú sốc giá năng lượng và các ảnh hưởng sau cuộc xung đột tại Ukraine. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed – tức Ngân hàng trung ương) dường như đã gần kiểm soát được lạm phát, trong khi các cơ quan tài chính đã có thể giải quyết được những căng thẳng nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng, bao gồm cả sự sụp đổ của các ngân hàng địa phương như Silicon Valley Bank vào đầu năm 2023.

Khả năng phục hồi bất ngờ

Trái ngược với những dự đoán về một cuộc suy thoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 2% trong sáu tháng đầu năm 2023. Điều đáng kinh ngạc là một số cơ quan phân tích đang đưa ra dự báo mức tăng trưởng quý III/2023 của nước này là gần 6%, dựa trên dữ liệu thực tế của tháng 7/2023. Nhìn vào các lực lượng chính tác động lên nền kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng trong tháng 7/2023 gần như chắc chắn sẽ chậm lại, do một số cơn gió ngược gây ảnh hưởng. Do đó, kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn nhưng lành mạnh.

Người tiêu dùng Mỹ đã được “bảo vệ” trước cơn bão giá càn quét trong suốt năm 2022 và đầu năm 2023, nhờ lượng tiền tiết kiệm tăng lên trong thời điểm đại dịch COVID-19, khi người dân hạn chế chi tiêu và bị phong tỏa. Tổng lượng tiết kiệm hộ gia đình của Mỹ đã vượt mức trung bình giai đoạn trước đại dịch là 2.100 tỷ USD vào năm 2022, hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, ước tính số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ chỉ còn lại khoảng 190 tỷ USD do tốc độ chi tiêu tăng vọt. Một số nhà kinh tế cảnh báo dư lượng tiền tiết kiệm của người dân Mỹ sẽ sử dụng hết vào cuối quý III/2023. Vì vậy, sẽ thiếu đi một nguồn lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Mỹ vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, thị trường lao động mạnh có thể vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Người dân Mỹ có thể sẽ đủ tự tin để chi tiêu, nhờ thị trường lao động thắt chặt. Với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức thấp kỷ lục 3,5%, người dân nước này hoàn toàn có thể yên tâm về việc làm và thu nhập. Hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng thị trường việc làm sẽ hạ nhiệt, nhưng ít người dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh. Và thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt thông qua việc giảm tuyển dụng, thay vì bị sa thải, điều này sẽ giúp không gây tổn hại nhiều đến niềm tin của người tiêu dùng.

Mặc dù lạm phát cao đã ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình, nhưng tăng trưởng tiền lương hiện đã bắt kịp giá cả. Trên thực tế, thu nhập khả dụng của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần ba năm qua trong những tháng gần đây. Điều đó sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng ở mức khá.

Nền kinh tế Mỹ cũng được hỗ trợ bởi các sáng kiến kinh tế của Washington, đặc biệt là Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS và Khoa học. Một số ước tính cho thấy khoảng 500 tỷ USD nguồn vốn mới đã được Chính phủ Mỹ phân bổ cho các hạng mục như xây dựng nhà máy mới và nâng cấp thiết bị công nghệ, năng lượng sạch.

Nhìn sâu hơn có thể thấy rằng nền tảng cho thành tích tốt hơn mong đợi trong tăng trưởng kinh tế Mỹ là tính linh hoạt và khả năng thích ứng đáng khen ngợi của nền kinh tế. Ví dụ, một lý do khiến thị trường lao động trụ vững là các công ty Mỹ đã rất thành thạo trong việc thích nghi với nhiều cú sốc khác nhau, như có thể chịu được chi phí đi vay cao hơn đáng kể vì đã tận dụng tốt thời kỳ lãi suất thấp để tăng cường vùng đệm tài chính. Tính linh hoạt này cũng có thể giải thích cho lý do chi tiêu hàng hóa vốn đã không giảm nhiều như dự đoán trong suốt thời kỳ lãi suất tăng. Với tình hình tài chính tốt, phần lớn các công ty Mỹ có thể quản lý được mọi điểm yếu mang tính chu kỳ hiện tại và vạch ra những cơ hội do các chính sách và công nghệ mới mà Washington tạo ra.

Nhờ ngăn chặn được suy thoái và tăng trưởng với tốc độ khá, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ không suy yếu nhiều như dự báo. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ sớm chạm đáy, tạo điều kiện cho sự phục hồi sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của châu Á vào năm 2024.

Vai trò của chính sách tiền tệ

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố quyết định tăng lãi suất tại Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, một tác động mà nền kinh tế Mỹ có thể mang lại đối với các thị trường là thông qua những quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất đối với lộ trình lãi suất của Mỹ là lãi suất sẽ tăng thêm một lần hoặc hai lần nữa, sau đó ổn định trong thời gian dài. Những bình luận mới nhất của Chủ tịch Fed Jerome Powell, được đưa ra tại Hội nghị Jackson Hole của các thống đốc ngân hàng trung ương hàng đầu, báo hiệu quyết tâm duy trì ưu tiên chống lạm phát trong chiến lược hoạch định chính sách. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý rằng mức lãi suất hiện tại đã khá hạn chế, cho thấy nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ sớm kết thúc ở Mỹ.

Điều đó sẽ mang lại sự “thở phào” cho các thị trường mới nổi vốn luôn bị ảnh hưởng mỗi khi có bất kỳ lo ngại nào về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất. Một khi Fed tạm dừng thắt chặt tiền tệ, các nhà đầu tư toàn cầu có thể sẽ ít cảm thấy rủi ro hơn và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, sẽ có một số hậu quả dài hạn hơn từ việc thắt chặt tiền tệ. Thứ nhất, lãi suất cực thấp và tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài có xu hướng tạo ra sự mất cân bằng và chấp nhận rủi ro quá mức. Điều này đã được chứng minh qua hành vi tài chính dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và cả sự sụp đổ của các quỹ hưu trí ở Vương quốc Anh vào năm 2022. Do các điều kiện tiền tệ có thể sẽ bị thắt chặt trong thời gian dài nên sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều cú sốc tài chính tương tự xảy ra. Mỗi lần xảy ra một cú sốc như vậy, dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro có xu hướng giảm mạnh.

Thứ hai, lãi suất dài hạn của Mỹ sẽ tăng thường xuyên hơn so với 20 năm qua. Điều đó chắc chắn sẽ thay đổi cơ chế định giá tài sản - lãi suất dài hạn càng cao thì giá tài sản có xu hướng càng thấp. Khi các nhà đầu tư nhận ra rằng lãi suất dài hạn giờ đây hoạt động ở phạm vi cao hơn nhiều so với trước đây và Fed cũng như một số ngân hàng trung ương khác có xu hướng can thiệp để ổn định thị trường bất cứ khi nào có khủng hoảng tài chính, thì việc định giá tài sản sẽ còn bất lợi hơn nữa.

Thúc đẩy cải tiến


Số phận của đồng bạc xanh có liên quan khá chặt chẽ đến chính sách tiền tệ của Mỹ. Khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ đạt đến đỉnh điểm trong vài tháng tới, giá trị của đồng USD cũng sẽ đạt đến đỉnh, nhưng sau đó sẽ suy yếu. Điều này nhiều khả năng sẽ giúp các đồng tiền châu Á, đang bị áp lực bởi đồng bạc xanh tăng mạnh, có thể phục hồi. Các ngân hàng trung ương châu Á cũng sẽ thấy sự linh hoạt hơn trong việc quản lý chính sách tiền tệ, để tập trung vào các vấn đề trong nước, nếu đồng bạc xanh tăng giá không gây áp lực lên đồng tiền của họ.

Việc thay thế đồng USD có thể sẽ thành công trong nhiều năm nữa, nhưng nhớ rằng tiền tệ toàn cầu có ba chức năng chính: phương tiện trao đổi, kho lưu trữ giá trị và đơn vị tài khoản. Việc thay thế đồng USD trong thanh toán thương mại có thể làm giảm vai trò của đồng tiền này như một phương tiện trao đổi theo thời gian, nhưng không phải trong ngắn hạn.

Trong hơn một thế kỷ qua, Mỹ đã thiết lập một hệ sinh thái độc đáo cho sự đổi mới. Nước này không chỉ là nguồn tiến bộ khoa học lớn nhất trên thế giới mà còn khá sáng tạo trong việc biến những ý tưởng và phát minh mới thành cơ hội thương mại. Mỹ có nhiều tổ chức nghiên cứu và học thuật sáng tạo độc đáo và sự kết hợp giữa cơ chế tài chính và doanh nghiệp năng động, để biến những cơ sở đó thành hiện thực thương mại.

Dù Mỹ đã vấp phải những khó khăn song vẫn là động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Sau tất cả những thăng trầm, nước Mỹ vẫn là một nền kinh tế cực kỳ năng động, đổi mới, có khả năng thích ứng linh hoạt với những thay đổi lớn./.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Tin khác