Phát huy vai trò 'huyết mạch' dẫn dắt nền kinh tế
Trên địa bàn tỉnh hiện có 119 tổ chức tín dụng, bao gồm: 35 chi nhánh Ngân hàng Thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển, 1 chi nhánh Ngân hàng HTX, 1 tổ chức tài chính vi mô, 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô Tình thương, 67 Quỹ tín dụng nhân dân và 11 công ty tài chính. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, 10 tháng năm 2024, Thanh Hóa vẫn tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, kỳ vọng Thanh Hóa sẽ quay lại "câu lạc bộ 50.000 tỷ đồng" và tạo thêm mốc lịch sử thu ngân sách cao nhất kể từ trước tới nay.
Trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Cụ thể, thời gian qua, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động, nắm bắt, dự báo tình hình và điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ đạo, phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đắc lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Để bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển, ngay từ đầu năm, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho vay. Lượng tiền gửi vào các ngân hàng tăng mạnh nhờ các hình thức huy động vốn đa dạng, thuận tiện và an toàn, giúp người dân an tâm gửi tiền vào hệ thống các ngân hàng, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng chủ động về nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay và đảm bảo thanh khoản. Tính đến trung tuần tháng 11/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn gần 185.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động trong năm có mức tăng trưởng khá, giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, cải thiện khả năng thanh khoản và thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
NHNN Thanh Hóa đã thực hiện giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng thực hiện các quy định về lãi suất và tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các khoản dư nợ hiện hữu; giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tính đến tháng 11/2024 tiếp tục được duy trì ổn định, phổ biến ở mức 4% - 11%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng vay. Các tổ chức tín dụng đã công bố thông tin về lãi suất cho vay bình quân, tạo cơ hội hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều đợt giảm lãi suất tiền vay, áp dụng các chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh tính đến trung tuần tháng 11/2024, đạt hơn 215.000 tỷ đồng. NHNN Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu đầu tư tín dụng chuyển dịch mạnh sang cho vay các lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Thanh Hóa cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn với đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản... Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngành Ngân hàng đã chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng bị thiệt hại do bão lũ để xem xét áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp cho khách hàng, đúng quy định pháp luật, đảm bảo các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại xây dựng các chương trình mới với lãi suất ưu đãi phù hợp; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bám sát định hướng và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành ngân hàng Thanh Hóa luôn ưu tiên vốn tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế vùng, các lĩnh vực đột phá, các ngành kinh tế mũi nhọn, những dự án lớn, cơ sở hạ tầng trọng điểm, như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, các dự án giao thông huyết mạch... Đồng thời, cơ cấu đầu tư tín dụng chuyển dịch mạnh sang cho vay các lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tiếp tục được NHNN Thanh Hóa chủ động triển khai thực hiện tích cực, mang lại những kết quả thiết thực, góp phần nắm bắt, giải quyết kịp thời các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, ngoài vai trò là kênh cung ứng vốn cho chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế của địa phương, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng; tích cực đưa các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ chính sách, vùng sâu, vùng xa, từng bước giảm chênh lệch thu nhập giữa các vùng, miền. Đồng thời, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với các cơ quan trên địa bàn, như: Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Hải quan, Bảo hiểm xã hội... để đẩy mạnh thanh toán điện tử. Hiện nay, 100% các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Internet Banking, SMS Banking, ứng dụng ngân hàng trên App...
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, vẫn cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp của các sở, ngành, địa phương, sự vào cuộc của các Hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động...
Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc NHNN Thanh Hóa khẳng định: Với sự chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của NHNN và của tỉnh cùng những nỗ lực không ngừng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, ngành Ngân hàng Thanh Hóa luôn giữ vững vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế với hiệu quả truyền dẫn chính sách tiền tệ ngày càng được nâng cao. Phát huy vai trò “huyết mạch”, dẫn dắt nền kinh tế, NHNN Thanh Hóa tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN trung ương trong triển khai các nhiệm vụ của toàn ngành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tích cực, chủ động nắm bắt, nhận diện các rủi ro để làm tốt công tác tham mưu, triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Bài và ảnh: Linh Phương