1. Tài chính

Phát biểu của Chủ tịch Fed khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục 'loay hoay' tìm lối thoát

Phát biểu của Chủ tịch Fed khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục "loay hoay" tìm lối thoát

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ chờ đợi thêm dữ liệu về xu hướng của nền kinh tế trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông lưu ý rằng Fed đang đối mặt với một tình huống khó xử, khi lạm phát có thể bị đẩy lên bởi các mức thuế mới, trong khi tăng trưởng và có khả năng cả việc làm lại suy yếu.

Giới đầu tư lo ngại rằng tình trạng lạm phát duy trì ở mức cao sẽ khiến Fed bị "trói tay". Bởi thông thường, ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, họ có thể do dự vì lo ngại hành động đó sẽ càng làm lạm phát leo thang.

Các nhà đầu tư nhận định phát biểu của ông Powell mang tính "diều hâu" hơn so với kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang chao đảo do các mức thuế diện rộng mà Tổng thống Donald Trump công bố, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

“Thị trường đã kỳ vọng một tín hiệu mềm mỏng hơn từ Fed, rằng họ đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất”, chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisors, Michael Arone nói và thêm rằng: “Nhưng ông ấy đã không mang lại điều đó”.

Kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế vào ngày 2/4, thị trường chứng khoán đã trải qua một trong những giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 5 năm.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn đang chật vật đánh giá hệ quả kinh tế từ chính sách thuế, vốn vẫn chưa rõ ràng khi ông Trump tạm dừng áp thuế với nhiều quốc gia, trong khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc lại leo thang.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,2% trong phiên thứ Tư, đưa mức giảm tổng cộng từ đỉnh thiết lập hồi tháng 2 lên 14%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 3,1%.

Theo ông Mark Malek, giám đốc đầu tư tại Siebert Financial, Fed đang ở trong một “vị thế vô cùng khó khăn” do mục tiêu kép của họ: Toàn dụng việc làm và giữ giá cả ổn định.

"Ông Powell cuối cùng cũng thừa nhận rằng thuế quan sẽ gây ra một mức độ lạm phát nhất định trong năm nay, có thể dẫn đến việc suy giảm tăng trưởng và gia tăng thất nghiệp. Họ cần giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và kiểm soát giá cả, nhưng giờ cả hai mặt này đều đang đi sai hướng đối với Fed”, ông Malek nói.

Dù vậy, các nhà giao dịch trong ngày thứ Tư vẫn tiếp tục đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, bao gồm kỳ vọng Fed sẽ hành động ngay từ tháng Sáu và đến cuối năm, mức lãi suất chính sách hiện đang trong khoảng 4,25% - 4,50% sẽ giảm gần một điểm phần trăm.

Ông Powell cũng đưa ra bình luận liên quan đến khái niệm “Fed put” - niềm tin rằng Fed sẽ can thiệp nếu thị trường lao dốc - điều mà theo giới đầu tư có thể đã khiến thị trường thêm bất an.

Khi được hỏi liệu có tồn tại một “Fed put” hay không, ông Powell trả lời là không, đồng thời đưa ra lời giải thích rằng thị trường đang vật lộn với sự bất định và biến động, nhưng vẫn hoạt động một cách trật tự.

Phát biểu của ông Powell có thể được hiểu là: “Đừng trông cậy vào "Fed put", tức là đừng kỳ vọng Fed sẽ giải cứu thị trường khỏi tình huống hiện tại”, Sam Stovall, chiến lược gia trưởng tại CFRA Research, nhận định và cho rằng đây là một tín hiệu không an toàn.

Thị trường chứng khoán đã yếu đi ngay trước khi ông Powell phát biểu vào buổi chiều, nhưng đà bán tháo đã tăng tốc sau đó. Các chỉ số chính bị kéo xuống mạnh bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi Nvidia cảnh báo về những thiệt hại lớn do lệnh hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Một số nhà đầu tư cho rằng ông Powell chỉ đang xác nhận điều mà thị trường vốn đã lo ngại: Nền kinh tế đang chậm lại trong khi áp lực lạm phát vẫn hiện hữu.

“Ông ấy đang ám chỉ rằng chúng ta có thể phải đối mặt với giai đoạn kinh tế khó khăn nếu các mức thuế hiện tại được duy trì. Tôi nghĩ nhà đầu tư đã biết điều đó. Ông ấy chỉ đơn giản là nhấn mạnh lại mà thôi”, Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments bình luận.

Đại Hùng

Tin khác