1. Tài chính

Ông Trump sẽ áp thuế gần 40% lên Trung Quốc vào đầu năm 2025

Chính sách này có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến 1 điểm phần trăm.

Một công trường xây dựng ở Khu thương mại trung tâm (CBD) của Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/7/ 2024. Ảnh: Tingshu Wang

Cuộc khảo sát, được thực hiện lần đầu tiên về kinh tế Trung Quốc sau chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 5/11, dự đoán ông Trump sẽ không áp dụng ngay mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1, đã cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ áp đặt các mức thuế nặng nề lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần trong chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết”. Điều này gây lo ngại tại Bắc Kinh và làm gia tăng rủi ro tăng trưởng đối với Trung Quốc.

Mức thuế mới được đề xuất không chỉ cao hơn hẳn mức 7,5%-25% được áp trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, mà nền kinh tế Trung Quốc hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khủng hoảng bất động sản kéo dài, rủi ro nợ và nhu cầu nội địa yếu.

Theo khảo sát của hơn 50 nhà kinh tế do Reuters thực hiện từ ngày 13-20/11, phần lớn các chuyên gia trong và ngoài Trung Quốc đại lục dự báo ông Trump sẽ áp đặt mức thuế mới vào đầu năm tới, với mức trung bình 38% và dao động từ 15% đến 60%.

Tuy nhiên, đa số không kỳ vọng mức thuế toàn diện 60% vì điều này có thể làm gia tăng lạm phát tại Mỹ.

Ông Raymond Yeung, kinh tế trưởng tại ANZ nhận định “Chúng tôi cho rằng chính quyền Mỹ mới sẽ quay lại kế hoạch ban đầu từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump” và ước tính mức thuế trung bình sẽ dao động từ 32%-37%.

Áp lực gia tăng đối với Trung Quốc

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, vốn đã triển khai các biện pháp kích thích kinh tế từ cuối tháng 9, sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn vào năm sau nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa để bù đắp sự suy giảm xuất khẩu - một động lực tăng trưởng quan trọng của năm nay.

Theo dự báo, mức thuế mới của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2025 từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế vẫn duy trì dự báo tăng trưởng ở mức trung bình 4,8% cho năm nay và 4,5% cho năm 2025, phù hợp với dự báo trước bầu cử Mỹ. Tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm xuống còn 4,2% vào năm 2026.

“Xuất khẩu sẽ vẫn là trụ cột tăng trưởng chính nhờ nhu cầu toàn cầu duy trì, nhưng thuế mới của Mỹ có thể làm giảm đến 1 điểm phần trăm GDP”, bà Mo Ji, kinh tế trưởng Trung Quốc tại DBS nhận định.

“Tiêu dùng nội địa sẽ vẫn yếu do tác động từ giá bất động sản giảm và thất nghiệp gia tăng. Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy hồi phục nhẹ trong đầu tư tài sản cố định, nhưng đầu tư tư nhân thì chậm”.

Cần thêm kích thích kinh tế

Phần lớn các nhà kinh tế, 19/23 người tham gia khảo sát, cho rằng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ gần đây của chính phủ Trung Quốc có ít tác động đến nền kinh tế và cần thêm các gói kích thích mới. Chỉ 4 người tin rằng các biện pháp này sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Giới chức Trung Quốc kỳ vọng các gói kích thích đã được công bố từ cuối tháng 9 sẽ giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo chính phủ sẽ đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ trong những tuần tới để giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

“Chúng tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc vẫn có thời gian để quan sát và phản ứng với chính sách của Mỹ, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp trong giai đoạn sau”, bà Jian Chang, kinh tế trưởng Trung Quốc tại Barclays chia sẻ.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát cũng hạ dự báo lạm phát tiêu dùng năm tới xuống còn 1,1% và 1,4% cho năm 2026, thấp hơn so với mức 1,4% và 1,6% trong khảo sát tháng 10.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự kiến sẽ hạ lãi suất chính sách - lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày - thêm 20 điểm cơ bản xuống còn 1,3% vào đầu năm tới, cùng với đợt giảm thêm 10 điểm cơ bản trong nửa cuối năm.

Dũng Phan (Theo Reuters)

Tin khác