1. Tài chính

Ông Trump manh nha đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi Phố Wall

Khi Nhà Trắng tăng gấp đôi mức thuế quan đối với Trung Quốc trong nỗ lực sắp xếp lại thương mại toàn cầu, các quan chức chính quyền và những người ủng hộ Tổng thống Trump đang nghiêng về viễn cảnh hủy niêm yết với gần 300 công ty Trung Quốc đang giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Tuần trước, khi được hỏi về khả năng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết "mọi thứ đều có thể xảy ra". Kevin O'Leary của "Shark Tank" và là một đồng minh lớn của Trump lập luận rằng điều này sẽ giúp gây áp lực buộc Trung Quốc "phải ngồi vào bàn đàm phán".

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa cho thấy dấu hiệu muốn dừng lại trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc. Ảnh: Politico.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rick Scott - người đã bày tỏ lo ngại về các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch của Mỹ từ nhiều năm trước - coi lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc là một cơ hội tiềm năng để "tăng cường giám sát các thực thể đó và loại bỏ chúng một lần và mãi mãi".

“Thị trường vốn của Mỹ là niềm ao ước của thế giới, cung cấp quyền tiếp cận nguồn vốn vô song cho các công ty trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đặc quyền này đi kèm với trách nhiệm, trong đó quan trọng nhất là tính minh bạch và tuân thủ các quy tắc công bố thông tin tài chính của chúng ta”, ông Rick Scott cho biết trong một lá thư gần đây gửi tới Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sắp nhậm chức Paul Atkins. “Thật đáng báo động khi các công ty Trung Quốc tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn của Mỹ trong khi từ chối tuân thủ các quy tắc của chúng ta”.

Không rõ ý tưởng này đang được chính quyền xem xét nghiêm túc đến mức nào. Nhưng có những mối quan tâm mới rõ ràng hơn về việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc, nhấn mạnh cách tiếp cận không có rào cản mà Mỹ thực hiện với Trung Quốc khi hai gã khổng lồ kinh tế này đang đào sâu hơn vào những gì được coi là một cuộc chiến thương mại kéo dài và có khả năng tàn khốc.

Các giám đốc điều hành Phố Wall đang cảnh báo về nguy cơ thuế quan làm đảo lộn chuỗi cung ứng, đầu tư và tuyển dụng, trong khi nỗi lo suy thoái vẫn còn dai dẳng.

Cựu Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng “có một khả năng không hề nhỏ là chúng ta sẽ sa lầy trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc trong thời gian dài”. Năm 2022, ông Gensler đã giúp đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Trung Quốc để công khai hồ sơ kiểm toán của các công ty nước này đang giao dịch tại Mỹ, mà Bắc Kinh đã chặn từ lâu.

Jeremy Mark, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Mỹ đang "xem xét tất cả các đòn bẩy khác nhau mà họ có thể sử dụng để gây áp lực lên Trung Quốc - hoặc ít nhất là trong mắt họ, gây áp lực lên Trung Quốc - và việc niêm yết của các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ rất nổi bật và quan trọng".

Trên thực tế, tính đến ngày 7/3/2025, có 286 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng giá trị là 1.100 tỷ USD.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói với Politico rằng "về nguyên tắc, Trung Quốc luôn duy trì quan điểm Mỹ nên tuân thủ các quy tắc quốc tế về đầu tư và thương mại, tôn trọng luật pháp của nền kinh tế thị trường và ngừng chính trị hóa và biến các vấn đề kinh tế và thương mại thành vũ khí".

"Việc làm xói mòn lòng tin của các công ty Trung Quốc vào việc đầu tư tại đây không có lợi cho môi trường kinh doanh của Mỹ", người phát ngôn Liu Pengyu cho biết trong một email hôm 15/4. "Cuối cùng, việc loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc và thị trường Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến lợi ích kinh tế và uy tín quốc tế của Mỹ".

Nhà Trắng và SEC từ chối bình luận, trong khi Bộ Tài chính không trả lời yêu cầu bình luận.

Mỹ có thể hành động như thế nào?

Nếu Mỹ thực sự thúc đẩy việc xóa các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ thì điều này có thể được thực hiện theo một số cách thức. Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào luật năm 2020 được thiết kế để trao cho các cơ quan kiểm toán của Mỹ khả năng tự do kiểm tra các cuộc kiểm toán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hongkong niêm yết tại Mỹ.

Theo luật, được gọi là Đạo luật bắt buộc các công ty nước ngoài phải chịu trách nhiệm, các công ty có giấy tờ không được xem xét đầy đủ trong hai năm liên tiếp có thể bị loại khỏi các sàn giao dịch. Vào tháng 2 vừa qua, ông Trump đã ban hành một lệnh hành pháp chỉ đạo chính quyền xác định xem "các tiêu chuẩn kiểm toán tài chính đầy đủ có được duy trì" đối với các công ty đó hay không.

Gần 300 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại thị trường Phố Wall (Ảnh: Reuters)

Vấn đề là luật có thể mất nhiều năm để có hiệu lực - và điều đó chỉ xảy ra nếu các cơ quan quản lý không thể có được quyền truy cập mà họ cần. Tuy nhiên, không phải là không có cách nhanh hơn để làm như vậy.

Trong một báo cáo nghiên cứu hôm 14/4, Giám đốc điều hành của TD Cowen Jaret Seiberg cho rằng "cách nhanh nhất và dễ nhất" là ông Trump ban hành một loạt các lệnh hành pháp theo thẩm quyền an ninh quốc gia của mình để cuối cùng yêu cầu hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ.

Chính quyền cũng có thể xem xét cấm các thực thể có lãi suất thay đổi, đây là cấu trúc mà các công ty Trung Quốc sử dụng để chào bán cổ phiếu tại Mỹ, Seiberg cho biết thêm. Các thực thể có lãi suất thay đổi về cơ bản chỉ cung cấp cho các nhà đầu tư Mỹ sự tiếp xúc gián tiếp với công ty Trung Quốc. Lệnh của ông Trump vào tháng 2/2025 bao gồm một chỉ thị để xem xét lại cấu trúc thực thể có lãi suất thay đổi.

Thị trường hiện đã bị xáo trộn bởi cuộc chiến thương mại với nhũng diễn biến chóng mặt, việc hủy niêm yết hàng loạt có thể gây thêm cú sốc cho các nhà đầu tư. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính trong một báo cáo nghiên cứu tuần này rằng, việc hạn chế các nhà đầu tư Mỹ khỏi cổ phiếu Trung Quốc có thể dẫn đến việc khoảng 800 tỷ USD bị "bán thanh lý".

"Khả năng gián đoạn thị trường trong điều kiện thị trường hiện tại có thể lớn hơn đáng kể so với khi thỏa thuận với Trung Quốc về quyền truy cập vào các giấy tờ kiểm toán được đàm phán vào năm 2022, đặc biệt là khi không có đủ thời gian để chuyển đổi", Katherine Martin, giám đốc điều hành tại Rock Creek Global Advisors, người trước đây làm việc tại Văn phòng Quan hệ Quốc tế của SEC, cho biết.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: Politico

Tin khác