'Ông lớn' xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta (FMC) dòng tiền kinh doanh âm 107 tỷ, vay nợ thêm 241 tỷ đồng
Doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận vẫn đi ngang
Theo BCTC hợp nhất Quý 3/2024, "ông lớn" trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm về tôm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận doanh thu thuần 2.845 tỷ đồng, tăng tới 58,7% so với cùng kỳ. Giá vốn được tiết giảm khiến cho lợi nhuận gộp đạt 308 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 67%.
Doanh thu hoạt động tài chính không khả quan, giảm từ 21 tỷ xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại gia tăng thêm gần 13%, chiếm 36 tỷ đồng. Phần lớn chi phí này đến từ lỗ chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng trong kỳ tăng cao đột biến tới hơn 100 tỷ đồng, chiếm 167 tỷ, đi cùng chi phí doanh nghiệp tăng thêm 3 tỷ, chiếm 21 tỷ. Phần chi phí này đã bào mòn đáng kể lãi gộp, khiến Thực Phẩm Sao Ta chỉ còn ghi nhận lãi sau thuế 94 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ bất chấp doanh thu đã tăng tới 58,7%.
Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm FMC đạt 5.549 tỷ đồng, tăng 44,6%. Lãi sau thuế lũy kế 235 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. So sánh với mục tiêu năm 2024, Thực phẩm Sao Ta mới hoàn thành được 72% mục tiêu đề ra.
Phải thu của khách hàng cao đột biến, FMC gặp khó khi thu tiền?
Tính tới cuối Quý 3/2024, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta đạt 3.707 tỷ đồng, tăng hơn gần 350 tỷ so với đầu năm. Phần tài sản tăng thêm này chủ yếu đến từ khoản phải thu của khách hàng tăng cao đột biến trong kỳ.
Lượng tiền mặt FMC đang có 533 tỷ đồng cùng 154 tỷ tiền gửi tại ngân hàng. Đáng chú ý, phần tài sản phải thu ngắn hạn tăng hơn gấp đôi so với đầu kỳ, chiếm 1.037 tỷ đồng. Gần như toàn bộ đều là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
So với đầu kỳ, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đã tăng từ 248 tỷ lên 1.026 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 4 lần. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn là liệu FMC có đang gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền từ khách hàng?
Về các tài sản khác, lượng hàng tồn kho giảm từ gần 1.000 tỷ xuống chỉ còn 774 tỷ đồng. Tài sản cố định của doanh nghiệp với phần lớn là nhà xưởng máy móc chỉ còn 786 tỷ đồng, tương đương đã khấu hao hơn 55%.
Hoạt động sử dụng vốn của FMC cũng đang có sự thay đổi, nợ vay tăng cao đáng kể. Trong đó nợ phải trả chiếm 1.428 tỷ đồng, tương đương 38,5% tổng nguồn vốn. Nợ vay ngắn hạn trong kỳ tăng vọt thêm 241 tỷ đồng, chiếm 1070 tỷ trong cơ cấu nguồn vốn.
Phần vốn chủ sở hữu đang ghi nhận 2.279 tỷ đồng với lãi sau thuế chưa phân phối chiếm đến 810 tỷ. Khác với các doanh nghiệp sản xuất khác, FMC không trích lập Quỹ đầu tư phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Dòng tiền kinh doanh âm 107 tỷ dù không mở rộng đầu tư
Như đã nêu phía trên, doanh thu FMC tăng mạnh nhưng kết quả lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thậm chí còn âm thêm cả trăm tỷ.
Cụ thể, dù ghi nhận lợi nhuận 232 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 107 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn đến từ việc tăng khoản phải thu thêm 785 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiền chi cho hoạt động kinh doanh cũng cao gấp 3 lần cùng kỳ, chiếm 48 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền FMC bị ảnh hưởng.
Về dòng tiền đầu tư, trong kỳ đơn vị không ghi nhận khoản đầu tư đáng kể nào. Phần tiền được chi đầu tư lớn nhất trong 9 tháng lại là 183 tỷ đồng... tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ chỉ chi 72 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm trước.
Trong kỳ, FMC vay nợ thêm 1.527 tỷ đồng nhưng lại chỉ trả nợ gốc 1.282 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đã tăng thêm 95 tỷ đồng với phần lớn là tiền đi vay nợ.
Bích Diễm