1. Tài chính

Nợ xấu tăng mạnh, chi phí dự phòng rủi ro đang bào mòn lợi nhuận của ABBank (ABB) ra sao?

Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (mã ABB) là một trong những ngân hàng có "sức đề kháng" kém nhất trong thời điểm hiện tại khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của đơn vị này chỉ đạt 34% tại cuối quý 2/2023.

Đồng thời, ABBank cũng đang phải gánh chịu lượng chi phí dự phòng rủi ro lớn khiến cho doanh thu từ một số mảng dịch vụ dù đã tăng mạnh nhưng kết quả lợi nhuận vẫn sụt giảm đáng kể.

Lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp đôi vẫn không gánh được chi phí dự phòng rủi ro

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ABB đạt 5.197,9 tỷ đồng, tăng khoảng 43,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải gánh chịu lượng chi phí lãi và các chi phí khác gia tăng đáng kể lên 3.631 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Kết quả, thu nhập lãi thuần giảm xuống chỉ còn 1.566,9 tỷ đồng, giảm 13,2%.

Chất lượng tài sản sụt giảm, chi phí dự phòng rủi ro đang bào mòn phần lớn lợi nhuận của ABBank (Ảnh TL)

Đáng chú ý đó là thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong kỳ đã tăng gần gấp đôi từ 345,5 tỷ lên 770,5 tỷ đồng. Nhưng đồng thời chi phí hoạt động dịch vụ cũng tăng thêm 131%, lên mức 451,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn đạt 319,1 tỷ đồng.

Dù lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gia tăng mạnh nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ABB lại tăng từ 216,7 tỷ lên 814,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,8 lần. Phần chi phí này đã bào mòn gần hết lợi nhuận từ các mảng dịch vụ khiến lãi sau thuế còn lại của ABB chỉ còn 541,3 tỷ đồng, giảm tới 59,2% so với nửa đầu năm 2022.

'Sức đề kháng' của ABBank đối với nợ xấu đang suy giảm ra sao?

Một trong những vấn đề hiện hữu của ABBank đó là chất lượng tài sản xuống cấp tới mức báo động. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng đột biến lên 814,7 tỷ đồng trên BCTC bán niên hợp nhất.

Trên BCTC kiểm toán, nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1) của ABB đạt 77.129,1 tỷ đồng, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đạt 3.071,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) đạt 1.385,3 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đạt 1.311,4 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đang chiếm 1.123,6 tỷ đồng.

Cần phải lưu ý đó là nợ nhóm 2 tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 cũng lần lượt tăng từ 156,3% tới 211,7% so với đầu kỳ. Chỉ có nợ nhóm 5 giảm nhẹ 20%. Tổng nợ xấu của ABBank (nợ nhóm 3, 4, 5) là 3.820 tỷ đồng, tăng 61% so với thời điểm đầu năm.

Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tính đến cuối quý 2 của ABB là 1.282 tỷ đồng, tăng nhẹ 25% so với đầu kỳ. Lượng dự phòng này chỉ tương đương với 34% quy mô nợ xấu. Tương đương với việc ngân hàng ABB chỉ bao phủ được 1/3 phần nợ xấu trong cơ cấu tài sản của mình.

Nợ xấu tăng cao, ABBank tiếp tục huy động thêm 6.000 tỷ từ kênh trái phiếu

Trong tháng 8 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã công bố quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một năm 2023 của ABBank.

Trong đó, ABBank sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá phát hành là 100 triệu đồng/trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu từ 1-5 năm, thời gian phát hành từ 1/8/2023 - 31/12/2023.

Số tiền thu được từ các đợt phát hành sẽ được ABBank sử dụng 4.500 tỷ để cho vay khách hàng cá nhân và 1.500 tỷ để cho vay khách hàng doanh nghiệp. Nguồn vốn sẽ được giải ngân hết trước ngày 31/3/2024.

Cũng trong thời gian qua, ABBank liên tục mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ giữa tháng 6/2023 đến hết tháng 8/2023, ABBank đã có 6 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng mệnh giá là 4.800 tỷ đồng.

Du Uyên

Tin khác