'Nín thở' chờ dữ liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng
Đóng cửa phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 cộng 55,19 điểm (khoảng 0,97%) lên mức 5.751,13 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 259,01 điểm (tương đương 1,45%) lên 18.182,92 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng leo dốc 126,13 điểm (tương đương 0,3%) lên 42.080,37 điểm.
Giữa lúc thị trường theo dõi khả năng Israel tấn công trả đũa Iran và những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông, giá dầu thô sụt gần 5%. Cú lao dốc của giá dầu khiến nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 mất 2,6%. Một số mã như Marathon Petroleum và Valero Energy lần lượt giảm 7,7% và 5,3%.
“Cuộc xung đột tại Trung Đông dường như là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, với nhiều điều không chắc chắn về chính sách thuế cũng như những tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai” - ông Robert Pavlik, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth Management, nói với đài CNBC.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tăng mạnh và giữ vai trò dẫn dắt thị trường Phố Wall phục hồi. Cổ phiếu Nvidia và Broadcom tăng tương ứng 4% và 3%. Meta Platforms, Tesla và Microsoft đều cộng 1% khi chốt phiên giao dịch.
Trong thời gian còn lại của tuần này, giới đầu tư cũng đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 9 trong ngày 9/10 (giờ Mỹ).
Các báo cáo này sẽ giúp các nhà đầu tư dự đoán về chính sách lãi suất của Fed trong tương lai.
Cuối tuần trước, báo cáo việc làm tháng 9 mạnh mẽ từng giúp thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa, với chỉ số Dow Jones lập đỉnh mới. Tuy nhiên, bước sang tuần này, sàn Phố Wall lại chuyển sang lo ngại rằng Fed có thể sẽ không quyết liệt hạ lãi suất vì thị trường lao động chưa suy yếu.
Hiện tại, thị trường đặt cược khả năng 87,5% Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tới với mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. 12,5% còn lại là khả năng Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75-5%.
“Fed nhiều lần khẳng định rằng họ hành động tùy theo dữ liệu. Bởi vậy, cuối tuần này sẽ là thời điểm quan trọng vì chúng ta sẽ biết lạm phát đã thực sự được kiểm soát hay chưa. Tuy nhiên, Fed đã phát tín hiệu rằng hướng đi của lãi suất trong tương lai là giảm” - Giám đốc đầu tư Kim Forrrest của công ty Bokeh Capital Partners nhận định với Reuters.
Theo Giám đốc chiến lược đầu tư tại Glenmede, ông Jason Pride, báo cáo về thị trường lao động và số liệu CPI sẽ là hai yếu tố chính đối với Fed trong cuộc họp chính sách sắp tới. Vị chuyên gia nêu rõ: "Tôi tin rằng báo cáo thị trường lao động được công bố vào thứ Sáu tuần trước và chỉ số CPI tháng 9 sẽ là hai dữ kiện chính để Fed đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tháng 11 tới".
Ông Pride nói thêm rằng nếu CPI hạ nhiệt với bất kỳ tỷ lệ nào thì nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ở mức 0,25% vào tháng 11.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins hôm 8/10 cho biết, bà kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa khi lạm phát và thị trường lao động hạ nhiệt.
“Niềm tin của tôi vào xu hướng thiểu phát đã tăng lên. Đồng thời, rủi ro nền kinh tế giảm tốc cũng tăng theo. Chính vì vậy, Fed có thể sẽ cần phải điều chỉnh chính sách thêm nữa” - bà Collins nói.
Bên cạnh đó, các báo cáo tài chính đầu tiên khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 khởi động cũng là những thông tin được quan tâm trên thị trường cổ phiếu.
Nguyễn Thu