1. Tài chính

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ lao dốc mạnh

Nhiều người tiêu dùng dường như đang đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về cách điều hành nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ lao dốc

Người Mỹ hiếm khi bi quan về nền kinh tế như hiện nay. Theo khảo sát sơ bộ mới được Đại học Michigan công bố hôm 11-4, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm 11% trong tháng 4, xuống mức 50,8 - mức thấp thứ hai trong lịch sử kể từ năm 1952. Đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số kể từ cuộc Đại suy thoái giai đoạn 2007-2009.

Cùng với đó, kỳ vọng lạm phát cả ngắn và dài hạn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên. Kỳ vọng lạm phát trong năm tới dự kiến ở mức 6,7%, tăng mạnh so với mức 5% hồi tháng 3-2025 và là mức cao nhất kể từ năm 1981. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, người tiêu dùng Mỹ dự kiến giá cả sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 4,4%, cao hơn so với mức 4,1% trong khảo sát hồi tháng 3-2025, và là mức cao nhất kể từ năm 1991.

Những người tham gia khảo sát cũng bi quan hơn về triển vọng thị trường lao động. Tỷ lệ người tiêu dùng dự đoán thất nghiệp sẽ tăng trong năm tới đạt mức cao nhất kể từ 2009. Số người tham gia khảo sát lo ngại khả năng mất việc làm trong vòng năm năm tới cũng đạt mức cao nhất từ tháng 7-2020, trong khi kỳ vọng về thu nhập cũng xấu đi.

Cũng theo khảo sát, sự suy giảm niềm tin đã diễn ra đồng đều và nhất quán trên nhiều nhóm độ tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, khu vực địa lý và đảng phái chính trị.

Nhiều người tiêu dùng dường như đang đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về cách điều hành nền kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế James Knightley tại ING, 67% số người tham gia khảo sát của Đại học Michigan cho biết chính phủ đang kém hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề lạm phát và thất nghiệp, tăng mạnh từ mức 44% hồi tháng 1-2025.

Biến động thuế quan đè nặng lên tâm lý người dân

Bà Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách khảo sát của Đại học Michigan, cho biết: “Niềm tin người tiêu dùng đã giảm hơn 30% kể từ tháng 12-2024 do lo ngại ngày càng tăng về các diễn biến của chiến tranh thương mại”.

“Người tiêu dùng đã chuyển từ lo lắng sang hoảng sợ”, chuyên gia Sam Tombs của Pantheon Macroeconomics đánh giá, đồng thời cho biết thêm rằng, sự bi quan hiện giờ có thể còn nghiêm trọng hơn nữa, bởi khảo sát được thực hiện từ ngày 25-3 đến 8-4-2025, trước khi Mỹ triển khai nhiều động thái leo thang căng thẳng thương mại.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm hoãn tăng thuế quan ở mức cao cho hàng chục nền kinh tế trong vòng 90 ngày, nhưng việc chính quyền của ông vẫn giữ mức thuế cơ bản 10% cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ được dự báo sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.

Những tín hiệu tích cực từ việc miễn mức thuế 10% đối với các thiết bị điện tử nhập khẩu cũng nhanh chóng bị lu mờ bởi những tuyên bố về việc áp mức thuế riêng biệt cho các sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh, máy tính và chất bán dẫn. Động thái này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, bởi nhiều hãng công nghệ như Apple đang sản xuất phần lớn các sản phẩm tại nước ngoài, và việc dịch chuyển sản xuất về Mỹ sẽ tiêu tốn nhiều thời gian.

Ảnh hưởng từ sự sụt giảm niềm tin tiêu dùng lên nền kinh tế

Giới phân tích hiện đang theo dõi sát sao những tác động mà tâm lý tiêu cực có thể gây ra cho chi tiêu tiêu dùng - yếu tố chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ. Áp lực giá cả tăng cao và triển vọng thu nhập yếu kém hơn có thể khiến nhiều người dân e ngại chi tiêu, điều mà họ đã làm suốt thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế.

Trước những lo ngại ngày càng gia tăng, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã lên tiếng trấn an thị trường khi cho biết “đôi khi các cuộc khảo sát rất tiêu cực, nhưng người dân vẫn tiếp tục chi tiêu. Đó là những gì đã diễn ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19, và ngay cả trong thời kỳ lạm phát ở mức cao gần đây”.

Trên thực tế, trong khi các “dữ liệu mềm” - kết quả khảo sát, cho thấy tình hình đang dần xấu đi, các “dữ liệu cứng” - dựa trên các số liệu kinh tế thực tế vẫn khả quan. Các số liệu vừa công bố tuần trước cho thấy, lạm phát tại Mỹ trong tháng 3-2025 tăng thấp hơn dự kiến, trong đó, lạm phát lõi đạt mức thấp nhất bốn năm.

Thị trường lao động Mỹ dù chịu sức ép thuế quan, nhìn chung vẫn vững vàng, với tăng trưởng việc làm trong tháng 3-2025 đạt mức 228.000 việc làm mới, vượt kỳ vọng của giới chuyên gia. Trong khi đó, doanh số bán lẻ có phần yếu hơn dự kiến trong thời gian gần đây, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa cắt giảm chi tiêu đáng kể.

Tuy nhiên, với áp lực từ thuế quan, các dữ liệu cứng có thể sớm trở nên tồi tệ hơn. Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cảnh báo tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể chậm lại đáng kể trong năm nay, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao và khiến lạm phát tăng nhanh.

“Với tác động kết hợp giữa tăng trưởng lực lượng lao động chậm lại do nhập cư giảm, sự bất ổn kinh tế và thuế quan, tôi dự kiến tăng trưởng GDP thực tế sẽ chậm lại đáng kể so với năm ngoái, có khả năng xuống dưới 1%”, ông Williams cho biết.

Bên cạnh đó, kỳ vọng lạm phát hiện đang là vấn đề nhạy cảm, trong bối cảnh người dân Mỹ vừa trải qua một giai đoạn khó khăn với giá cả tăng cao. Nếu người dân mất niềm tin rằng lạm phát sẽ trở lại bình thường trong tương lai gần, họ có thể yêu cầu tăng lương, qua đó buộc các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm và thúc đẩy lạm phát.

Điều này sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ. Bà Lorie Logan, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, nhấn mạnh rằng kỳ vọng lạm phát cao có thể ăn sâu vào tâm lý người dân, khiến con đường trở lại ổn định giá cả mất nhiều thời gian hơn và gây tổn thương sâu sắc hơn cho nền kinh tế.

Những lo ngại từ Phố Wall

Phố Wall cũng đang quan sát tình hình với tâm lý lo ngại. Trong tuần trước, dù ghi nhận mức tăng điểm mạnh, chứng khoán Mỹ cũng đã có những phiên giảm sâu do lo ngại áp lực từ căng thẳng thương mại. Chỉ số S&P 500 đã có lần đầu tiên trong gần một năm qua đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, làn sóng bán tháo của giới đầu tư đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên trên mức 4,5% - đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2001. Từ chỗ được coi là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trong thời kỳ biến động, trái phiếu chính phủ Mỹ đã bị coi như một tài sản rủi ro.

Theo chuyên gia Gary Schlossberg của Viện đầu tư Wells Fargo, việc lợi suất trái phiếu tăng trong khi đồng đô la giảm càng cho thấy giới đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường Mỹ. “Chúng ta đang chứng kiến sự rút vốn của một số nhà đầu tư nước ngoài và cả sự e ngại của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường trái phiếu”.

Những hỗn loạn trên Phố Wall được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến mức chi tiêu của những người Mỹ giàu có, vốn đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong vài năm qua.

“Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã giúp những người tiêu dùng giàu có tiếp tục chi tiêu, thúc đẩy kinh tế Mỹ trong năm 2024 ngay cả khi giá cả ở mức cao. Tuy nhiên, nếu thị trường sụt giảm, sự tự tin của nhóm người tiêu dùng giàu có sẽ biến mất”, ông Bill Adams, chuyên gia kinh tế trưởng tại Comerica Bank, cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế James Knightley tại ING, người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng trên ba phương diện: thuế quan, thị trường việc làm dần nguội lạnh, trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu đang suy yếu. “Cả thu nhập, giá cả và sự giàu có đều biến động theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng. Đó rõ ràng không phải là một bức tranh đẹp”.

Ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, nhận định rằng sương mù dày đặc của sự bất ổn hiện nay, do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây ra, đang gợi nhớ về những cuộc khủng hoảng trước đó khi có những thay đổi lớn về mặt cấu trúc trong chính sách và thị trường - như cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch Covid-19 và khi lạm phát tăng vọt vào năm 2022.

Nhà lãnh đạo công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới lo ngại nền kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn tới kịch bản xấu nhất. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang rất gần, nếu không muốn nói là đã dần bước chân vào một cuộc suy thoái”, ông Larry Fink kết luận.

Nguồn: CNN Business, Bloomberg, WSJ, AP News, CBS News

Song Thanh

Tin khác