Những sự kiện tác động lên thị trường chứng khoán nửa cuối tháng 10
Sau thời gian thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới, nửa cuối tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận tin tức từ các sự kiện vĩ mô trong nước và thế giới; trong đó, đáng chú ý nhất là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của doanh nghiệp.
*Kỳ vọng “cú hích” từ kết quả kinh doanh quý III
Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chuẩn bị bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi (bão số 3) đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
VNDirect kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là “cú hích” tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024.
Về triển vọng lợi nhuận, các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025.
Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành. Tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024, tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.
Thậm chí Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) còn dự phóng trong quý III/2024, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài câu chuyện về kết quả kinh doanh, theo VNDirect, thị trường cũng hướng sự chú ý tới những diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng 11.
Hiện tại, thị trường vẫn tin vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ những tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh nhà đầu tư đang nghe ngóng và chờ đợi những diễn biến quan trọng tới đây, việc thị trường giao dịch chậm và thận trọng có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Nhiều khả năng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp tại 1.260-1.300 điểm, VNDirect nhận định.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho hay, trong 2 tuần gần đây, VN-Index nhìn chung đang biến động quanh vùng 1.270 - 1.295 điểm, nhưng cách biến động là khó dự báo với chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trong tuần từ 30/9 - 4/10 và chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp trong tuần qua (từ 7- 11/10).
Xét riêng từng cổ phiếu, các nhóm được kỳ vọng có kết quả tich cực như công nghệ (FPT), logistic (VTP, ACV)… đang tạo những đỉnh mới cao hơn trong 2 tuần gần nhất. Nhà đầu tư cần chú ý hơn đến các câu chuyện riêng của doanh nghiệp khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến, ông Phương khuyến nghị.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, kết thúc tuần giao dịch từ 7 - 11/10, VN-Index tăng 17,79 điểm lên mốc 1.288,39 điểm; HNX-Index chốt tuần tại mốc 231,37 điểm, tương ứng giảm 1,3 điểm so với cuối tuần giao dịch trước đó.
Thanh khoản trên 2 sàn tuần này sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh giảm 26,23% trên HOSE và giảm 28,05% tại HNX.
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là nhóm cổ phiếu họ Vingroup, với các mã VHM tăng 5,06%, VIC tăng 1,95%, VRE tăng 3,83%...
Ngoài nhóm Vingroup, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như nhóm công nghệ thông tin, tiêu biểu với CMG tăng 5,58%, FPT tăng 4,10%, ELC tăng 2,86%...
Nhóm thực phẩm và đồ uống giao dịch ấn tượng với MSN tăng 7,28%, PAN tăng 5,63%, SAB tăng 1,59%, KDC tăng 0,79%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc với LPB tăng 4,29% VPB tăng 3,50%, ACB tăng 2,76%, CTG tăng 1,83%, TCB tăng 1,66%...
Ở chiểu ngược lại, cổ phiếu ngành bán lẻ giảm giá như MWG giảm 2,86%, DGW giảm 76%. Nhóm ngành ô tô và phụ tùng giao dịch trong sắc đỏ với SVC giảm 4,42%, TMT giảm 3,38%, HAX giảm 0,91%...
Đa số cổ phiếu ngành điện có một tuần giao dịch kém tích cực, cụ thể là POW giảm 2,7%, KHP giảm 1,42%, REE giảm 1,06%...
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), bản cập nhật Triển vọng và Thống kê thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được công bố hôm 10/10 cho thấy, thương mại hàng hóa toàn cầu đã có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng theo năm là 2,3%.
Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng vừa phải trong suốt thời gian còn lại của năm và kéo dài đến năm 2025. Khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,7% vào năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó của WTO là 2,6% hồi tháng 4, cho thấy kinh tế toàn cầu vẫn có sự ổn định trong ngắn hạn bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraine, Trung Đông diễn biến phức tạp.
SHS cho biết, trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP quý III/2024 ước đạt 7,4%, 9 tháng 2024 GDP tăng trưởng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng vượt mức kỳ vọng.
Với giả định mức tăng trưởng GDP cả năm 2024 là khoảng 6,8%, ước tính GDP 2024 sẽ khoảng 460 tỷ USD. Như vậy vốn hóa toàn thị trường hiện tại đang tương đương 64% GDP 2024.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, VN-Index có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, song biên độ tăng điểm là khá yếu và thanh khoản sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lênh trên HOSE trong phiên hôm nay sụt giảm 29,3% so với mức trung bình 20 phiên cho thấy đà tăng của chỉ số thiếu động lượng hỗ trợ nên xu hướng phục hồi tăng điểm vẫn chưa được xác nhận.
“Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm và hướng tới mốc kháng cự (1.320 - 1.330 điểm). Tuy vậy, với diễn biến hiện tại thị trường chắc cần thêm thời gian để tích lũy thêm động lượng”, CSI nhận định.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch thận trọng trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán thế giới tuần qua biến động mạnh.
*Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số S&P 500 và Dow Jones chốt phiên 11/10 lập mức cao kỷ lục, nhờ lực đẩy lớn từ nhóm cổ phiếu tài chính sau khi các ngân hàng báo cáo kết quả lợi nhuận hàng quý mạnh.
Đáng chú ý, tâm lý thị trường cũng bị chi phối khi số liệu lạm phát mới nhất làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 11 tới.
Chỉ số Dow Jones tăng 409,74 điểm lên 42.863,86 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 34,98 điểm lên 5.815,03 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 60,89 điểm lên 18.342,94 điểm
Tính chung trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,1%; Dow Jones tăng 1,2%; Nasdaq Composite tăng 1,1%. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp cả ba chỉ số đều đi lên.
Tại châu Á, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trong phiên 11/10, khép lại một tuần giao dịch biến động, khi các nhà giao dịch hy vọng các nhà chức trách sẽ đưa ra các biện pháp kích thích mới, bổ sung cho một loạt các biện pháp đã công bố trong tháng trước.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải chốt phiên giảm 2,55% xuống 3.217,74 điểm. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà giao dịch tại thị trường này tuần qua lo ngại khi thiếu các chi tiết về các biện pháp kích thích kinh tế đã công bố gần đây tại cuộc họp báo ngày 8/10 của Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Kinh tế Trung Quốc.
Các thị trường Thượng Hải và Hong Kong trồi sụt trong vài ngày qua, khi tăng hơn 20% sau khi các cam kết hỗ trợ nền kinh tế được công bố trong tháng trước, chú trọng đến lĩnh vực bất động sản.
Trung Quốc chịu sức ép trong việc công bố loạt biện pháp kích thích mới, khi các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn gặp những trở ngại kể từ sau khi các quy định kiểm soát dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối năm 2022.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN