1. Chứng khoán

Những mảng màu đầu tiên trong bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán quý 1/2025

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025. Như thường lệ, có những đơn vị báo lãi tăng trưởng đột phá, nhưng cũng có không ít cái tên ngậm ngùi công bố lợi nhuận đi lùi.

LỢI NHUẬN BỨT PHÁ

Trong nhóm báo lãi ấn tượng, Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 với kết quả tích cực. Doanh thu hoạt động đạt 669 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 10%, xuống còn 127 tỷ đồng; doanh thu môi giới sụt 28% còn 133 tỷ đồng, và lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 16%, còn 42 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số mảng vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực. Lãi từ cho vay và các khoản phải thu tăng 7% lên 277 tỷ đồng; trong khi lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) bật tăng 32%, đạt 57 tỷ đồng.

Điểm sáng nổi bật của MBS đến từ việc kiểm soát tốt chi phí. Trong quý 1/2025, chi phí hoạt động giảm mạnh 59% xuống còn 108 tỷ đồng, một phần lớn nhờ hoàn nhập hơn 77 tỷ đồng từ chi phí dự phòng tài sản tài chính, tổn thất khó đòi và chi phí đi vay. Chi phí môi giới cũng giảm 14%, còn 117 tỷ đồng.

Nhờ đó, MBS báo lãi trước thuế quý 1 đạt 339 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 269 tỷ đồng – mức cao kỷ lục kể từ khi công ty đi vào hoạt động.

Bước sang năm 2025, MBS đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với kết quả năm 2024. Sau quý đầu tiên, công ty đã hoàn thành được 26% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 31/3/2025, danh mục tài sản tài chính FVTPL của MBS có giá trị thị trường hơn 2.564 tỷ đồng, tăng 590 tỷ so với đầu quý. Cơ cấu danh mục gồm: chứng chỉ quỹ (56 tỷ đồng), giấy tờ có giá khác (1.162 tỷ), trái phiếu niêm yết (901 tỷ) và cổ phiếu (446 tỷ đồng).

Danh mục đầu tư HTM ghi nhận giá trị 4.900 tỷ đồng, trong đó hơn 4.561 tỷ là tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn. Với tài sản AFS, danh mục chủ yếu là trái phiếu trị giá gần 1.360 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán tại thời điểm cuối quý 1/2025 lên tới 11.442 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, riêng dư nợ margin đạt gần 11.330 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ so với đầu quý.

Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS) khởi đầu năm 2025 đầy tích cực với lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 1.310 tỷ đồng, tăng mạnh 40% so với quý cuối năm ngoái và tăng 13% so với cùng kỳ 2024.

Một trong những điểm sáng trong bức tranh tài chính của TCBS là mảng môi giới và lưu ký chứng khoán với doanh thu đạt 73 tỷ đồng, tăng 33% so với quý 1/2024. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, khi doanh số bán ra vượt 5.900 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mảng cho vay margin và ứng trước tiền bán tiếp tục phát huy vai trò trụ cột, mang về gần 718 tỷ đồng thu nhập, tăng 5% so với quý liền trước và tăng 28% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay của TCBS đạt 30.472 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2024. Với tỷ lệ dư nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,1 lần, TCBS tiếp tục giữ vững ngôi đầu trên thị trường cho vay ký quỹ.

Bên cạnh đó, mảng ngân hàng đầu tư ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ khi đem về 414 tỷ đồng thu nhập trong quý, tăng lần lượt 86% và 78% so với quý trước và cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu nhờ vào loạt thương vụ tư vấn phát hành được triển khai từ năm ngoái và hoàn tất trong quý đầu năm nay.

Ở mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu, TCBS ghi nhận thu nhập 697 tỷ đồng, tăng 14% so với quý trước và tương đương cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, công ty đã phân phối gần 18.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân,

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của TCBS đạt gần 56.330 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước. Dư nợ vay ngắn hạn và các khoản phải trả phát sinh lãi tăng 15%, lên gần 28.000 tỷ đồng.

Tương tự, Chứng khoán KAFI ghi nhận doanh thu hoạt động quý 1 đạt 380 tỷ đồng, tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với hơn 216 tỷ đồng, cùng gần 132 tỷ đồng thu về từ hoạt động cho vay và phải thu.

Dù chi phí hoạt động tăng mạnh, gấp 4 lần lên 120 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của KAFI vẫn đạt 91 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng gấp 2,7 lần so với quý 1/2024.

LỘ DIỆN DOANH NGHIỆP ĐẦU TIÊN BÁO LỖ

Trong quý đầu năm, Chứng khoán DSC ghi nhận lãi từ hoạt động cho vay tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, đạt gần 57 tỷ đồng. Ngược lại, mảng tự doanh sụt giảm 5%, chỉ còn 43 tỷ đồng, trong khi hoạt động môi giới tiếp tục sa sút với khoản lỗ hơn 3 tỷ đồng – nặng nề hơn nhiều so với mức lỗ chỉ 314 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, DSC báo lãi trước thuế hơn 67 tỷ đồng, giảm 10% so với quý 1/2024. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 54 tỷ đồng, giảm 9%. So với kế hoạch lãi trước thuế cả năm hơn 260 tỷ đồng vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua, công ty đã hoàn thành khoảng 26%. Đây là kế hoạch đầy tham vọng, với những chỉ tiêu vượt xa các mốc lịch sử của DSC.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của DSC đạt hơn 5.352 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất (43%), đạt gần 2.296 tỷ đồng - giảm 17%, chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi và phần còn lại là cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết. Ngược lại, dư nợ cho vay tăng nhẹ 4%, đạt gần 2.270 tỷ đồng – gần như toàn bộ là khoản vay ký quỹ của nhà đầu tư.

Việc dịch chuyển tài sản khỏi kênh tự doanh sang hoạt động cho vay phần nào lý giải cho kết quả kinh doanh trái chiều giữa hai mảng này trong quý 1.

Ngoài ra, công ty ghi nhận gần 333 tỷ đồng tiền mặt, giảm mạnh 31% so với đầu năm. Danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giữ nguyên ở mức 270 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn từ 6–12 tháng tại các ngân hàng.

Ở một diễn biến khác, Chứng khoán HD cũng trải qua quý kinh doanh đầy thử thách với doanh thu hoạt động giảm mạnh 65% xuống còn 244 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự lao dốc của nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành – giảm từ mức 470 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn hơn 15 tỷ đồng, tương ứng mức giảm gần 97%. Sau khi khấu trừ chi phí, HD báo lãi trước thuế 98 tỷ đồng, giảm 43% so với quý 1/2024.

Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ quý 1 với con số lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, gần tương đương mức lỗ cùng kỳ năm trước. Chuỗi thua lỗ kéo dài của công ty chủ yếu xuất phát từ việc doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý 1 đạt gần 5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức chưa đến 300 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đến từ lãi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với 4,1 tỷ đồng, tiếp theo là doanh thu môi giới 567 triệu đồng và lãi từ các khoản cho vay, phải thu đạt 206 triệu đồng.

Hoạt động này vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng khi chi phí lên tới 7,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 45% so với cùng kỳ, lên mức 3,7 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3, khoản đầu tư HTM (toàn bộ là tiền gửi ngân hàng) của CVS giảm mạnh xuống còn 105 tỷ đồng, so với mức 254 tỷ đồng đầu năm. Tuy vậy, một tín hiệu tích cực là công ty bắt đầu phát sinh dư nợ cho vay margin với giá trị 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản ứng trước tiền bán cũng đạt 3,9 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm.

Thúy An

Tin khác