1. Chứng khoán

Những con số đáng lưu ý trên BCTC của Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC

Kiểm toán không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng hàng tồn kho

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về hàng tồn kho.

Theo đó, SJC thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo Biên bản lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31/12/2023 do công ty tự đánh giá.

Với những tài liệu SJC cung cấp, đơn vị kiểm toán không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá này với số tiền lũy kế đến cuối năm 2023 là gần 84 tỷ đồng, số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,7 tỷ đồng.

Do vậy, đơn vị kiểm toán không đủ cơ sở để xác định ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên Bảng cân đối kế toán cũng như báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính 2023.

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của SJC tăng thêm 158 tỷ so đầu năm, lên 1.898 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm chủ yếu 76% với 1.447 tỷ đồng (tăng mạnh 20,6% so đầu kỳ); SJC cũng phải trích lập dự phòng gần 84 tỷ đồng (gấp 3,2 lần đầu kỳ).

Đáng nói, dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của SJC năm 2023 âm 78,8 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn dương 51,6 tỷ đồng chủ yếu có thể đến từ việc tăng giá trị hàng tồn kho.

Khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của SJC ghi nhận gần 123 tỷ đồng, trong đó phải dự phòng hơn 74 tỷ đồng.

Hiện SJC đã đầu tư 123 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, VAB) và đã phải trích lập dự phòng 22,7 tỷ đồng. Đây là khoản dự phòng lớn nhất của SJC trong khoản mục đầu tư tài chính. SJC đã dừng kế hoạch thoái vốn tại VietABank theo công văn năm 2018 của UBND TPHCM.

Chưa góp đủ vốn điều lệ

Được thành lập năm 1988, sau 22 năm hoạt động với tên gọi Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC. Một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

Sau ngày 16/9/2010, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC chuyển đổi với tên gọi mới Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC. Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên của SJC là ông Trần Văn Tịnh, còn Tổng giám đốc là bà Lê Thúy Hằng.

SJC có vốn điều lệ theo đăng ký là 1.617,7 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2023, chủ sở hữu mới góp 1.358,9 tỷ, vốn điều lệ còn phải góp là 258,8 tỷ đồng.

Được biết, SJC thuộc danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến hết năm 2025. Do đó, SJC không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cho đến hết năm 2025.

Doanh thu bán vàng hàng chục nghìn tỷ nhưng lãi bèo bọt

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, SJC đạt 28.408 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ gần 5% so với năm 2022. Giá vốn hàng bán chiếm 99% doanh thu, với 28.166 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp giảm 3,3% về còn 241,6 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên chỉ 0,85%.

Sau trừ các loại chi phí và thuế, lãi ròng "ông lớn" ngành vàng đạt gần 61 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ ở mức thấp 4,48%.

Cho năm 2024, SJC đặt kế hoạch tổng doanh thu 30.145 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,1% và 15% so năm 2023. Về sản lượng, SJC đặt mục tiêu gia công và dập SJC móp 31.692 lượng vàng, nữ trang 444.912 món.

Minh An

Tin khác