Nhựa Tiền Phong (NTP) cán đích cả năm sớm, lãi năm nay lập kỷ lục mới
Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã cổ phiếu NTP - sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.201 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 12,5%, còn 342 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Nhựa Tiền Phong ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng 18% so với quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong đạt 3.830 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả đạt được cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tăng 34,5%, đạt 624 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 112% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Trong năm ngoái, tổng lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong đạt 559 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch đề ra và cũng là mức cao nhất lịch sử hơn 63 năm hoạt động.
Nhựa Tiền Phong hiện đang vận hành 03 nhà máy có tổng công suất lên đến 190.000 tấn/năm, 300 đại lý và 16.000 điểm bán trên toàn quốc. Với những lợi thế hiện có, Nhựa Tiền Phong vẫn đang giữ vững vị thế nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi cuối tháng 4/2024, Nhựa Tiền Phong đang bán giá thấp hơn 15 - 17% so với các đối thủ.
Theo ước tính của Ông Đặng Quốc Dũng, nếu để giá bán ngang bằng với đối thủ thì lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong “hoàn toàn có thể vượt 1.000 tỷ đồng” trong năm ngoái nhưng chiến lược của công ty là đồng hành với các đối tác, khách hàng để có thể phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng thì Nhựa Tiền Phong sẽ tăng giá bán sản phẩm trễ hơn, nhưng khi giá nguyên vật liệu giảm, công ty sẽ giảm giá rất nhanh để hỗ trợ đối tác.
Với mức giá bán thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và chính sách bán hàng linh hoạt, nhiều tổ chức tài chính đánh giá Nhựa Tiền Phong có thể gia tăng thị phần trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thị trường chung chưa hồi phục nhanh.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong tại thời điểm cuối quý 3/2024 đạt 5.598 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 53%, còn 226 tỷ đồng; tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng tăng 74%, đạt 1.650 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 3%, còn 1.123 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, nợ phải trả của Nhựa Tiền Phong tính đến ngày 30/9/2024 đạt 2.148 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 24%, đạt 1.295 tỷ đồng.
Duy Quang