1. Tài chính

NHTW Nhật vẫn chia rẽ về thời điểm tăng lãi suất

Tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/10, BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức cực thấp là 0,25%, đánh dấu cuộc họp thứ hai liên tiếp không thay đổi lãi suất.

BOJ đã chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 và tăng lãi suất lên 0,25% - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - tại cuộc họp tháng 7. Tuy nhiên, những biến động của thị trường sau động thái này của BOJ và nỗi lo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã khiến cơ quan này giữ nguyên lãi suất từ đó đến nay.

Trong thông cáo phát đi sau cuộc họp chính sách tháng 10, BOJ cho biết mặc dù rủi ro về một cuộc "hạ cánh cứng" của kinh tế Mỹ đã lắng xuống, cơ quan này vẫn lo ngại về những bất ổn của kinh tế toàn cầu có thể tác động tới triển vọng kinh tế và lạm phát tại Nhật.

Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, mặc dù cho rằng các dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây khá tích cực, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cảnh báo rằng “vẫn còn sự không chắc chắn về cách các đợt tăng lãi suất trước đây của Fed ảnh hưởng đến nền kinh tế và giá cả”. Bên cạnh đó, vẫn còn những rủi ro khác.

NHTW Nhật Bản (BOJ)

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 10 của BOJ cũng cho thấy nhiều thành viên hội đồng quản trị đã nhấn mạnh nhu cầu tập trung vào hậu quả kinh tế từ các biến động của thị trường.

Một thành viên đề nghị BOJ phải xem xét kỹ lưỡng các diễn biến của thị trường “vì còn quá sớm để kết luận rằng thị trường sẽ khôi phục lại sự bình tĩnh” với các giao dịch được thúc đẩy một phần bởi sự suy đoán về kết quả bầu cử của Mỹ. “BOJ phải chuẩn bị tốt cho khả năng biến động thị trường có thể gia tăng tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”, một ý kiến khác cũng kiến nghị.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm và đồng đôla Mỹ tăng giá sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo về sự biến động mới của thị trường trong trường hợp ông Trump thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình, bởi điều đó có thể duy trì lạm phát ở mức cao, từ đó ảnh hưởng tới lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Do vẫn còn nhiều bất ổn, những người theo chủ nghĩa ôn hòa trong hội đồng gồm 9 thành viên của BOJ khuyến nghị cần tiến hành tăng lãi suất chậm rãi. Một thành viên nói rằng BOJ phải “dành thời gian và thận trọng”.

Trong khi đó, một ý kiến khác cảnh báo rằng việc BOJ tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường và làm gián đoạn con đường dài hạn của ngân hàng trong việc đảo ngược gói kích thích tiền tệ khổng lồ của mình.

Tuy nhiên, một số thành viên khác lại thấy cần phải truyền đạt rõ ràng quyết tâm của BOJ trong việc tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và lạm phát diễn biến đúng như dự báo của họ. “Ngân hàng nên cân nhắc tăng thêm lãi suất sau khi tạm dừng để đánh giá diễn biến của nền kinh tế Mỹ”, một thành viên được biên bản trích dẫn nói, đồng thời nói thêm rằng nền kinh tế Nhật Bản không còn cần hỗ trợ tiền tệ đáng kể nữa.

Một ý kiến khác cho rằng các hộ gia đình và các công ty nhỏ, vốn dễ bị tổn thương trước tác động của chi phí nhập khẩu tăng, dường như hoan nghênh việc đồng yên phục hồi.

Trên thực tế, đồng yên yếu đã trở thành vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản do lo ngại tác động đến tiêu dùng vì chi phí nhập khẩu nhiên liệu và nguyên liệu thô tăng cao.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã trích dẫn rủi ro lạm phát gia tăng từ đồng yên yếu là một trong những yếu tố chính dẫn đến quyết định tăng lãi suất lên 0,25% của BOJ vào tháng 7.

Một cuộc khảo sát của Reuters, được tiến hành từ ngày 3 đến ngày 11/10, cho thấy phần lớn các nhà kinh tế dự đoán BOJ sẽ không tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay, mặc dù gần 90% vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào cuối tháng 3.

Hoàng Nguyên

Tin khác