1. Tài chính

Nhiều người Mỹ tiêu xài quá mức để giải tỏa lo lắng

tiêu xài quá mức (doom spending) là hành vi tiêu tiền để giải tỏa nỗi sợ hãi về các vấn đề vĩ mô như chính trị hay kinh tế - Getty Images

Palm, một sinh viên đại học, cùng bạn mình tới nhiều cửa hàng ở Massachusetts vào cuối tuần trước ngày bầu cử. Dù luôn tự hào là người mua sắm có trách nhiệm, lần này Palm vẫn chi tiêu bốc đồng cho một chiếc ví để giải tỏa căng thẳng.

GIẢI TỎA TÂM LÝ KHI MUA SẮM

“Chúng tôi cảm thấy như mất kiểm soát cuộc sống mình. Chúng tôi có để đi bầu cử, nhưng còn có thể làm gì khác nữa? Chúng tôi có thể mua một chiếc ví để khiến mình cảm thấy vui vẻ”, Palm chia sẻ với CNN.

Palm là một trong ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ tìm cách giải tỏa cảm xúc lo lắng bằng cách “tiêu xài quá mức”.

Theo CNN, tiêu xài quá mức (doom spending) là hành vi tiêu tiền để giải tỏa nỗi sợ hãi về các vấn đề vĩ mô như chính trị hay kinh tế. Xu hướng này xuất hiện ở khắp nơi từ các video trên YouTube, TikTok, Reddit, cho tới các cuộc thảo luận và khảo sát về tài chính cá nhân.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Axios Vibes do Harris Poll thực hiện, Thế hệ Y (thường là những người sinh từ những năm 1981 đến 1995) và Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2010) cũng có xu hướng thích tận hưởng cho bản thân ở hiện tại hơn là tích lũy để tận hưởng trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng tiêu dùng này có thể giúp giải tỏa cảm xúc ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ nguy hiểm cho sức khỏe tài chính dài hạn của người tiêu dùng.

Chi phí thực phẩm và giá nhà – hai trụ cột trong ngân sách chi tiêu của hầu hết người tiêu dùng – vẫn ở mức cao khiến đa số cử tri có tâm lý bi quan về nền kiinh tế - Ảnh: Getty Images

“Chúng ta không phải lúc nào cũng lý trí trong những tình huống cảm xúc dâng cao và khi liên quan tới tiền bạc”, bà Courtney Alev, một chuyên gia tài chính tiêu dùng tại Credit Karma, nhận xét. “Khi cảm thấy lo lắng hay căng thẳng, chúng ta rất dễ mất đi lý trí và cố gắng tìm kiếm một ‘liều thuốc’ nào đó để giải tỏa nhanh chóng”.

Theo bà Alev, khoảng hơn 30% người Mỹ ở tất cả các thế hệ gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền một cách lý trí do những cảm xúc về sự bất ổn trong các vấn đề hiện tại và tương lai. Một phần nguyên nhân đến từ tâm lý tiêu cực về nền kinh tế.

Nền kinh tế Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trummp được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tỷ lệ tăng trưởng được dự báo sẽ cao hơn so với các quốc gia khác trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Tuy nhiên, lạm phát cũng sẽ tăng cao.

Thời gian qua, lạm phát tại Mỹ được kiểm soát và hạ nhiệt đáng kể. Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều cảm nhận được hiệu ứng từ lạm phát giảm. Một cuộc khảo sát hồi đầu năm nay của CNN cho thấy chỉ 37% người Mỹ nói rằng họ hài lòng với nền kinh tế.

Tâm trạng bất mãn với nền kinh tế được cho là đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông Trump. Cuộc khảo sát của Gallup hồi tháng 10 cho thấy 54% cử tri tin tưởng vị cựu tổng thống sẽ xử lý các vấn đề kinh tế tốt hơn so với đối thủ Kamala Harris. Theo các cuộc thăm dò ý kiến ngay khi cử tri rời khỏi phòng bầu cử hôm 5/11, đa số cử tri Mỹ cho biết vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu với họ khi ra quyết định bầu cho ứng viên nào.

Theo các nhà phân tích, chi phí thực phẩm và giá nhà – hai trụ cột trong ngân sách chi tiêu của hầu hết người tiêu dùng – vẫn ở mức cao khiến đa số cử tri có tâm lý bi quan về nền kiinh tế.

“Lạm phát đã giảm nhưng với nhiều người, những gì họ nhìn thấy trên các kệ hàng trong cửa hàng thực phẩm mới là thực tế”, ông Sertan Kabadayi, giáo sư về tiếp thị tại Trường Kinh doanh Gabelli thuộc Đại học Fordham, nhận xét. “Vì giá cả trên các kệ hàng cao hơn so với năm trước, họ vẫn nghĩ rằng nền kinh tế không tốt và đang có xu hướng xấu đi”.

Tâm lý lo lắng đó thúc đẩy xu hướng tiêu xài quá mức để giải tỏa và từ đó khiến nợ thẻ tín dụng tăng lên. Một cuộc khảo sát vào tháng 8 của Bankrate cho thấy khoảng 50% chủ thẻ tại Mỹ nợ tiền thẻ tín dụng từ tháng này qua tháng khác. Nợ thẻ tín dụng tăng vọt cũng một phần bắt nguồn từ mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ ở Mỹ trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9 và tuần trước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu thẻ tín dụng tại Mỹ đã lần đầu vượt qua mức trước đại dịch.

TÁC ĐỘNG CỦA MẠNG XÃ HỘI

Bên cạnh vấn đề kinh tế, thói quen sử dụng internet cũng là một nhân tố thúc đẩy xu hướng tiêu xài quá mức, đặc biệt là ở nhóm người tiêu dùng trẻ. Dữ liệu từ Bankrate cho thấy hơn 50% người Mỹ cảm thấy họ liên tục nhận những tin tức tiêu cực trên mạng và việc này ảnh hưởng đến cách họ tiêu tiền.

“Những gì bạn đang theo dõi và những thông điệp bạn nhận được trên mạng có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ, thêm lo lắng và có cảm giác mọi thứ đều đang xấu đi”, bà Aja Evans, chuyên gia trị liệu các vấn đề về tài chính, nhận xét. “Quá tải thông tin từ trên mạng, cộng với văn hóa do những người có tầm ảnh hưởng thống trị và các quảng cáo sản phẩm có thể hiện người tiêu dùng cảm thấy muốn mở ví hơn”.

“Khi đang lướt mạng, bạn có thể nghĩ: ‘Mọi thứ thật tệ. Mình sẽ thấy ổn hơn nếu mua sắm thứ gì đó”, bà Evans nói.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã được ấn định nhưng những nội dung, tin tức xoay quanh sự kiện này vẫn ngập tràn trên các nền tảng mạng xã hội.

“Chúng tôi dự báo nhiều người trẻ Mỹ sẽ lướt mạng xã hội và tiếp tục tiếp nhận những nội dung xoay quanh bầu cử. Việc này có tác động lớn tới cảm xúc của họ và thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn”, bà Elev cho biết.

Theo bà, những người không hài lòng với kết quả bầu cử có xu hướng chi tiêu nhiều hơn để cảm thấy tốt hơn. Còn những người hài lòng với kết quả cũng tiêu xài nhiều hơn – một hành động giống như phần thưởng dành cho họ.

Ngọc Trang

Tin khác