Nhận định chứng khoán 23/10: Thị trường có thể tiếp tục đà giảm
►Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/10
VN-Index điều chỉnh với áp lực kiểm tra lại vùng giá 1.250 - 1.260 điểm
VN-Index trong phiên giao dịch 22/10 phục hồi nhẹ phiên sáng với mức độ phân hóa mạnh, thanh khoản suy giảm, sau đó áp lực bán gia tăng mạnh dần, khá đột biến trong cuối phiên chiều với thanh khoản gia tăng kém tích cực. Kết phiên giao dịch ngày 22/10, VN-Index giảm 9,88 điểm về mức 1.269,89 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 213 cổ phiếu giảm giá, 99 cổ phiếu tăng giá, 47 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE.
Thanh khoản tăng so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +25,52% tại HOSE. Khối ngoại phiên 22/10 tiếp tục đà bán ròng với -138,63 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã KDH (-68,81 tỷ), VRE (-51,31 tỷ), HPG (-46,84 tỷ) và VCI (-39 tỷ)... ở chiều ngược lại, mua ròng MWG (+76,64 tỷ), TCB (+65 tỷ)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, xu hướng ngắn hạn, VN-Index kết thúc giai đoạn tăng trưởng, chuyển sang điều chỉnh với áp lực kiểm tra lại vùng giá 1.250 điểm - 1.260 điểm, giá cao nhất năm 2023. Xu hướng trung hạn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm, vùng kháng cự rất mạnh. Thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng kháng cự này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đồng thời, các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị như cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Đông hạ nhiệt.
“Xu hướng ngắn hạn trở nên kém tích cực. Có thể quá trình tích lũy điều chỉnh sẽ còn kéo dài khi sắp đến thị trường trống thông tin sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quí III/2024, cũng như thông tin bất định về bầu cữ Mỹ sắp đến. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt. Trường hợp tỉ trọng đầu cơ cao, danh mục mở rộng, cần xem xét cơ cấu các mã yếu kém hơn thị trường chung nếu có. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), sức ép rút ròng mạnh ở nhóm Ngân hàng khiến xu hướng xấu đi và rủi ro giữ vùng hỗ trợ 1.265 – 1.271 trở nên mong manh hơn – đây cũng là chốt chặn xác nhận chuyển giao từ giai đoạn đi ngang biến động rộng phá vỡ vùng viền cổ xác nhận cho mẫu hình giảm ngắn hạn. Động thái NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng trở lại, cho thấy xu hướng đổi từ hỗ trợ thanh khoản sang hút ròng tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới tiếp tục vận động tại vùng đỉnh với các tín hiệu suy giảm nhẹ đem lại rủi ro tiềm ẩn.
“Sức ép tâm lý từ các thông tin trên là nguyên nhân khiến thị trường diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn và giảm dần đi theo thời gian, tuy nhiên, các chỉ số sẽ có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng, quản trị danh mục theo sát diễn biến thị trường ngắn hạn xem xu hướng điều chỉnh này diễn ra trong bao lâu, các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực là tiêu điểm theo dõi sau khi xác nhận cân bằng xuất hiện”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên hôm nay 23/10 và tình trạng phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt rủi ro nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps tiếp tục ở mức cao nên các nhà đầu tư chưa nên mua mới trở lại ở giai đoạn này. Sự phân hóa có thể vẫn còn diễn ra, nhưng mức độ phân hóa sẽ thu hẹp dần trong những phiên giao dịch tới.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục cơ cấu đưa tỷ trọng cổ phiếu về mưc 40-45% danh mục ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư nên tạm thời dừng mua mới trong giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Diệp Diệp/VOV.VN