Nhận định chứng khoán 15/10: Thị trường có xu hướng rung lắc trên vùng 1.283 điểm
Xu hướng chính của VN-Index vẫn đang là tăng giá
Sau tuần giao dịch tăng điểm trước đó, thị trường mở cửa phiên sáng 14/10 trong sắc xanh VN-Index tiếp tục tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tuy nhiên lực bán dần xuất hiện và duy trì đều đặn khiến cho VN-Index kết phiên 14/10 quay đầu giảm -2,05 điểm (-0,16%) về mốc 1.286,34 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 230,72 điểm (-0,65 điểm, tương ứng -0,28%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 185 cổ phiếu giảm giá, 117 cổ phiếu tăng giá, 60 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 64 cổ phiếu tăng giá, 71 cổ phiếu tham chiếu và 81 cổ phiếu giảm giá.
Điểm tích cực là thanh khoản trên sàn HOSE gia tăng so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +39,72% tại HOSE tuy nhiên sụt giảm -5,40% tại HNX. Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho điểm số của thị trường hôm nay là Viễn thông với các mã VGI (+4,17%), TTN (+1,69%), ABC (+0,35%), FOX (+0,20%)... Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như Hóa chất - Phân bón - Cao su, tiêu biểu như DGC (+0,61%), GVR (+2,25%), DPR (+1,75%), PHR (+2,04%)... Nhóm cổ phiếu Vingroup khởi sắc với VIC (+0,84%), VRE (+0,79%) và VHM (4,01%) cùng thông tin chốt thời gian dự kiến mua lại 370 triệu cp quỹ là từ 23/10-22/11/2024. Các cổ phiếu hưởng lợi từ Đầu tư công giao dịch ấn tượng với FCN (+2,29%), LCG (0,92%), HHV (+2,08%), VCG (+0,54%)...
Ghi nhận trong phiên 14/10, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành Bất động sản dân cư với DIG (-1,16%), DXG (-1,94%), PDR (-1,65%), NVL (-1,39%), CEO (-1,31%), NTL (-1,59%), NLG (-1,37%) và đặc biệt TCH (-6,27%) cùng tin tức về việc Thanh tra Chính phủ phát hiện một số sai phạm ở khu đất 23,380m2 tại số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhóm ngành Ngân hàng kém khởi sắc với HDB (-1,28%), SSB (-1,14%), LPB (-1,22%) và đặc biệt EIB giảm mạnh (-4,45%)... Đa số cổ phiếu ngành Bán lẻ có một phiên giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là MWG (-1,40%), FRT (-0,06%), DGW (-0,33%), PET (-0,37%), PNJ (-0,73%)...
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, áp lực tâm lý tại mốc cản 1.300 điểm khiến VN-Index đóng cửa tạo nến giảm thân dài. Tin tức trái chiều của một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa cao như tài chính-ngân hàng cũng là một phần nguyên nhân khiến chỉ số chưa thể bứt phá. Agriseco Research cho rằng, xu hướng chính của VN-Index vẫn đang là tăng giá nhưng các nhịp rung lắc, rũ bỏ sẽ xuất hiện trong quá trình chỉ số hướng lên vùng 1.300 điểm.
“Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ danh mục, ưu tiên mở vị thế trading T+ tại các nhịp rung lắc trong phiên với các doanh nghiệp hay nhóm ngành được kỳ vọng KQKD quý 3/2024 khả quan như ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.
Thị trường có xu hướng tiếp diễn rung lắc trên vùng 1.283 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), áp lực bán mạnh tại vùng cản 1.292 – 1.300 đánh bật mức tăng trong ngày khiến chỉ số trở lại mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn hấp thụ tốt lực bán khi đa phần các mã giữ được biên độ dao động hẹp. Bên cạnh đó, xu hướng tăng được duy trì và dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành một cách nhanh chóng, thúc đẩy giai đoạn tích lũy lại. Thị trường có xu hướng tiếp diễn rung lắc trên vùng 1.283 điểm nhằm củng cố vùng giá này và tìm kiếm sự đồng thuận từ các nhóm cổ phiếu.
“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi, cơ cấu danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực. Chúng tôi đánh giá cao triển vọng thị trường trong trung và dài hạn, tuy nhiên nhà đầu tư nên lưu ý tới rủi ro tiềm ẩn có thể đến từ các thông tin của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian tới, do đó, cần quan sát các thị trường thế giới chặt chẽ để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu, và sẵn sàng lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu lớn về mức hấp dẫn”, chuyên gia của ASEANSC nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá, xu hướng ngắn hạn, VN-Index đang tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên hiện nay. VN-Index đang duy trì trong vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm và chịu áp lực điều chỉnh lại vùng hỗ trợ 1.280 điểm. Trong trường hợp tích cực, nếu VN-Index vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn thì có thể kỳ vọng lên lại kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, đây là vùng kháng cự rất mạnh tương ứng đỉnh giá các tháng 6-8/2022 cũng như từ đầu năm đến nay. VN-Index có thể vượt kháng cự mạnh này trong thời gian tới khi có sự đồng thuận tăng trưởng của các nhóm ngành.
Xu hướng trung hạn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Kỳ vọng VN-Index sẽ vượt lên vùng giá 1.300 điểm để hướng đến các vùng giá cao hơn 1.320 điểm. Trong đó, 1.300 điểm - 1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đỉnh giá tháng 6-8/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024. Đây là vùng kháng cự có tính chất cơ bản, thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng kháng cự mạnh này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đồng thời các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị như cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Đông hạ nhiệt.
“Trong ngắn hạn, nhà đầu tư xem xét gia tăng tỉ trọng khi các yếu tố vĩ mô tăng trưởng vượt kỳ vọng và vốn hóa thị trường ở mức hợp lý. Tuy nhiên, không nên mua đuổi khi VN-Index tiếp tục hướng đến 1.300 điểm. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, tỉ trọng dưới mức trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể xem xét cân nhắc, gia tăng khi thị trường đang trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quí II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực”, chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Diệp Diệp/VOV.VN