1. Chứng khoán

Nhà thầu nghìn tỷ Hải Đăng: Doanh thu lớn nhưng lãi mỏng

Trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng

CTCP Hải Đăng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nên từ năm 2018 đến nay, Công ty đã tham gia 51 gói thầu, trong đó trúng 40 gói, trượt 11 gói. Tổng giá trị trúng thầu lên tới 35.958 tỷ đồng, trong đó 20.273 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là 667,8 tỷ đồng, tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh 35.290 tỷ đồng.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, CTCP Hải Đăng đã trúng 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 5.900 tỷ đồng với vai trò liên danh chính và liên danh phụ.

* Hồ sơ Công ty Hải Đăng chi 325 tỷ mua quyền khai thác 2 mỏ cát Bến Tre

Theo Thị trường Tài chính - Báo Kinh tế và Đô thị, Công ty Hải Đăng là đối tác quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Tây Ninh khi đã tham gia xây dựng nhiều dự án quan trọng như khách sạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, trụ sở Ngân hàng TMCP BIDV Tây Ninh, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Tây Ninh... Hải Đăng cũng đảm nhận thi công nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) như Phước Đông và Thành Thành Công…

Đáng chú ý, Hải Đăng đã liên danh với Tập đoàn Thuận An trong nhiều dự án lớn như trúng gói thầu hơn 300 tỷ đồng thi công Dự án ĐT.&93 và cầu Suối Núc, kênh Tân Hưng, suối Ky Tây Ninh do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư.

Hải Đăng cũng liên danh với Tập đoàn Thuận An và một số công ty khác thi công gói XL05 dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên trị giá hơn 561 tỷ đồng. Hay thực hiện gói thầu HC2 hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với giá trị gói thầu 262 tỷ đồng…

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty Hải Đăng ở mức rất thấp, chỉ 0,64%

Doanh thu ngàn tỷ, lợi nhuận mang về chỉ vài tỷ đồng

Mặc dù trúng rất nhiều gói thầu với giá trị lớn, song kết quả thu về của CTCP Hải Đăng lại không tương xứng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2023 của CTCP Hải Đăng, doanh thu thuần sụt giảm hơn 8% so năm 2022, về mức 1.085 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh 13,3% ở mức 913,8 tỷ đồng.

Đặc biệt kỳ này doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Hải Đăng tăng mạnh 43% lên 419 triệu đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng vọt 42% lên 101 tỷ đồng chính là chi phí lãi vay. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 38% lên 65,4 tỷ đồng.

Do sự gia tăng các loại chi phí trong khi doanh thu thuần giảm nên lợi nhuận thuần của Công ty Hải Đăng sụt giảm 40% so năm 2022, về còn 5,6 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận khác tăng mạnh nhưng không đáng kể với 447 triệu đồng.

Do đó, Công ty đạt hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 35% so mức 9,4 tỷ đồng của năm 2022. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 1,2 tỷ đồng, Công ty Hải Đăng ghi nhận 4,86 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 35,3% so mức 7,5 tỷ đồng của năm 2022.

Kỳ này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Hải Đăng ở mức khá thấp chỉ 2,57 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ dương tới 138,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ (1.798 tỷ), cũng như tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (310 tỷ đồng)... Trong khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 5 tỷ đồng, còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 233,9 tỷ đồng (kỳ trước âm 112 tỷ đồng).

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của CTCP Hải Đăng tăng mạnh thêm 1.515 tỷ lên 3.362,7 tỷ đồng (tăng 82%). Trong đó, chủ yếu tăng ở khoản mục tiền và các khoản tương đương 251,77 tỷ. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 65% so đầu kỳ, lên 1.840 tỷ đồng, chủ yếu là Phải thu ngắn hạn của khách hàng (729 tỷ) và Trả trước cho người bán ngắn hạn (979 tỷ)… Hàng tồn kho lên tới 512 tỷ đồng (so mức 40 tỷ của đầu năm).

Nợ phải trả cũng tăng gấp đôi, từ 1.295 tỷ lên 2.065 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Đặc biệt tăng đột biến ở khoản mục Người mua trả tiền trước ngắn hạn gấp 7,7 lần từ 158 tỷ của đầu kỳ lên tới 1.218 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm lần lượt là 873 tỷ và 186 tỷ đồng…

Trong năm 2023, CTCP Hải Đăng đã thu 200 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu, do đó, vốn điều lệ của CTCP Hải Đăng tăng từ 500 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 37% so đầu kỳ, lên 756,7 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty Hải Đăng ở mức rất thấp, chỉ 0,64%. Còn tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu chỉ 0,44%.

(Còn tiếp)...

Kỳ tới: Ngoài mảng xây dựng, hệ sinh thái của Công ty Hải Đăng làm ăn thế nào?

Minh An

Tin khác