Ngưỡng 1.300 điểm lần này sẽ khác
Điều kiện thuận lợi hơn
Nhiều tháng qua, VN-Index chưa vượt được đỉnh trung hạn 1.305 điểm, nhưng diễn biến tại các đáy trong năm 2024 cho thấy xu hướng nâng đáy và cách hình thành các đáy đều ở dạng chớp nhoáng và thanh khoản thấp do nhu cầu bán tại các vùng giá thấp suy yếu.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi cho biết, nếu như các lần trước, VN-Index chạm 1.300 điểm khá chóng vánh, thì ở thời điểm hiện tại, nhiều yếu tố đang ủng hộ chỉ số chinh phục lại ngưỡng này bền vững hơn.
Thứ nhất, chu kỳ tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu tạo điều kiện cho dòng vốn từ các nền kinh tế đang thắt chặt tiền tệ tìm đến các thị trường mới nổi ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong 2 tuần cuối tháng 9, khối ngoại dần chuyển sang mua ròng với giá trị tăng dần, đảo chiều so với giai đoạn bán ròng kể từ đầu năm.
Thứ hai, hiện là giai đoạn thuận lợi cho Việt Nam giữ vững chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó, pháp lý cho thị trường bất động sản đang được tháo gỡ vướng mắc, giúp khơi thông dòng vốn trong nước.
Thứ ba, kỳ vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán dần sáng tỏ khi các thông tư hướng dẫn tháo gỡ các nút thắt đã được ban hành nhằm thỏa mãn yêu cầu nâng hạng của FTSE Russell.
Theo đó, điều kiện để VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm đã sẵn sàng.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, giai đoạn hiện tại rất khác so với quý II và quý III, trong bối cảnh kinh tế bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới và tâm lý giới đầu tư được cải thiện, có thể giúp thị trường chứng khoán có bước đột phá trong tháng 10 này, với việc VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm.
Quan trọng vẫn là chọn cơ hội
Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank, ngoài việc quan tâm đến diễn biến thị trường, biến động chỉ số, nhà đầu tư nên cập nhật thông tin về doanh nghiệp để tìm ra các cổ phiếu tiềm năng.
Xét nhóm ngành, ngân hàng là lựa chọn hàng đầu, cổ phiếu ngành này thường dẫn sóng, hiện chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường, chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp niêm yết, chiếm từ 28 - 42% tổng giá trị giao dịch khớp lệnh, thu hút các quỹ đầu tư lớn…
Ông Lương Duy Phước cũng đánh giá cao nhóm nhóm ngân hàng, với việc đa phần cổ phiếu “vua” đang ở vùng định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm ở mức cao.
“Chúng tôi kỳ vọng, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này sẽ là nhóm đầu tiên thu hút dòng tiền, trước khi có hiệu ứng lan tỏa ra các nhóm ngành khác. Một số cổ phiếu ngân hàng đang thu hút nhà đầu tư như ACB, STB, MBB, CTG…”, ông Phước nói.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu cũng đáng quan tâm khi kinh tế thế giới phục hồi và mùa mua sắm dịp lễ, tết cuối năm đang đến gần sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng hỗ trợ cho sự tăng giá cổ phiếu.
Các nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, chứng khoán cũng mang lại cơ hội đầu tư, nhất là khi VN-Index duy trì đà tăng.
Ông Lê Đức Khánh nhận định, kịch bản cho xu hướng tăng sắp tới được duy trì khi nhóm cổ phiếu cơ bản dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán đã đem lại cho các nhà đầu tư sự tin tưởng. Nhóm thép, hóa chất, dầu khí, xây dựng và vật liệu, dệt may… đã tạo đáy và dao động tích lũy tích cực ở vùng giá cao hơn mức đáy có thể sẽ sức tăng mạnh, thay thế nhóm cổ phiếu tài chính.
Hoàng Anh