Người dân giao dịch tại các sàn kinh doanh ngoại hối có nguy cơ bị lừa
Sáng 11/11, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Quốc hội quan tâm tới xử lý nợ xấu, giải pháp kiểm soát nguy cơ bong bóng trong lĩnh vực bất động sản; giải pháp ổn định thị trường ngoại hối...
Chưa cấp phép cho sàn giao dịch nào kinh doanh ngoại hối
Tham gia chất vấn, các đại biểu Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thực trạng quản lý kinh doanh ngoại hối; biện pháp quản lý và xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối hoạt động trái phép (nhất là qua giao dịch online); giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỉ giá. Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng.
Trả lời những nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, USD cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước.
Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỉ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%.
Trong trường hợp tỉ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách.
Đối với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng trong giao dịch ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì chỉ có các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối, đặc biệt kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế. Khi doanh nghiệp và người dân có những giao dịch cần ngoại tệ thì sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng. Còn các tổ chức và cá nhân khác thì không được kinh doanh ngoại hối.
"Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho một sàn giao dịch nào về vấn đề này. Nếu người dân giao dịch tại các sàn này thì sẽ có hệ lụy là bị lừa đảo" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Do đó, các cơ quan quản lý cũng cần phối hợp để kiểm soát, tăng cường phát hiện các sàn không được cấp phép để có biện pháp xử lý.
Đối với việc giảm lãi suất theo ý kiến đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân. Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỉ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỉ giá không ổn định.
Xử lý nguy cơ bong bóng trong thị trường bất động sản, tài chính?
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với các chính sách tăng cường kích cầu, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như nào để kiểm soát sự gia tăng rủi ro trong hệ thống từ các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và giải pháp xử lý các vấn đề về nguy cơ bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính?.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỉ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động. Có tới 80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền; Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản.
Đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%- gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.
Vân Hà