1. Tài chính

Người của Tập đoàn Thành công được đề cử vào HĐQT PGBank

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank- mã: PGB) mới đây đã công bố thông tin 6 nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2025-2030.

Danh sách gồm 3 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính và bà Cao Thị Thúy Nga (bà Nga hiện là Thành viên HĐQT độc lập).

Đáng chú ý, ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT và ông Đào Phong Trúc Đại, Phó chủ tịch HĐQT không có tên trong danh sách vừa công bố.

Trong khi đó, 3 người mới dự kiến được bầu vào HĐQT là ông Nguyễn Văn Tý, ông Vũ Tuấn Anh và ông Nguyễn Văn Hương. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hương hiện là Tổng giám đốc PGBank, còn 2 người còn lại đều có liên quan đến CTCP Tập đoàn Thành Công.

Người của Tập đoàn Thành công được đề cử vào HĐQT PGBank.Ảnh PGB.

Ông Nguyễn Văn Tý sinh năm 1957, hiện là chuyên viên Ban Đầu tư của Tập đoàn Thành Công. Ngoài ra, ông Tý còn giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát tại CTCP Đầu tư PV-INconess một thành viên của Tập đoàn Thành Công.

Ông Vũ Tuấn Anh sinh năm 1965, có nhiều năm kinh nghiệm tại các công ty liên quan đến Tập đoàn Thành Công như Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ và Phụ Tùng ô tô Thành Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hyundai - Thành công xe Thương mại. Từ năm 2020 đến nay, ông giữ vai trò Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công.

Ông Nguyễn Văn Hương sinh năm 1980, có nhiều năm đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại nhiều ngân hàng, từ tháng 9/2024 đến nay giữ chức vụ Tổng Giám đốc PGBank.

Từ năm 2023, PGBank trải qua nhiều biến động thượng tầng sau khi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex thoái sạch vốn và xuất hiện nhóm cổ đông mới có nhiều liên quan tới Tập đoàn Thành Công - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất cả nước.

Tình hình kinh doanh: Ngày 25/3, PGBank vừa công bố nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh tạm giao năm 2025 với những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Theo kế hoạch, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Đồng thời, ngân hàng cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Bên cạnh lợi nhuận, PGBank cũng dự kiến tổng tài sản sẽ tăng trưởng từ 15-20% trong năm 2025. Dư nợ tín dụng sẽ được thực hiện theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, phù hợp với định hướng điều hành tín dụng của cơ quan quản lý trong từng giai đoạn.

Về nguồn vốn huy động, PGBank đặt mục tiêu tăng trưởng tương ứng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo duy trì các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về tình hình kinh doanh năm 2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023 nhưng chỉ hoàn thành 76% kế hoạch đề ra (554 tỷ đồng). Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 2,56%, con số này cao hơn mục tiêu của năm nay.

Đại hội đồng cổ đông của PGBank sẽ được tổ chức vào ngày 24/4 tại Hà Nội, ngày chốt danh sách cổ đông tham dự là 28/3 tới đây. Các nội dung cụ thể hơn hiện chưa được ngân hàng này công bố.

Tại diễn biến liên quan, HĐQT PGBank vừa thông qua kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua cổ phiếu là 19/3/2025, trong khi thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền kéo dài từ ngày 24/3 đến 14/4/2025.

Theo phương án phát hành, cổ đông sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 4 cổ phiếu mới, với giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Đợt phát hành này dự kiến giúp PGBank huy động 800 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho vay ngắn hạn và 600 tỷ đồng dành cho các khoản vay dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Đông Bắc

Tin khác