Ngành Ngân hàng Quảng Nam chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam ghi nhận sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 929 doanh nghiệp mới, giảm 7,9% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,9%). Dù số doanh nghiệp hoạt động trở lại có xu hướng tăng với 413 doanh nghiệp (tăng 9,3%) nhưng vẫn không đủ bù đắp cho 1.390 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tình hình này phản ánh sức ép cạnh tranh và những khó khăn trong duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Phạm Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2024, ngành Ngân hàng địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN, qua đó lãi suất cho vay trên địa bàn giảm 0,96-1,31%/năm so với đầu năm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm, cho vay ngắn hạn các đối tượng và nhu cầu khác ở mức 6,72%/năm và cho vay trung dài hạn mức 9,52-10,04%/năm.
Đặc biệt, lãnh đạo NHNN Quảng Nam cũng tích cực tham gia các buổi đối thoại định kỳ cùng các sở, ban, ngành để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các NHTM tại địa phương cũng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi như chương trình “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp” của VietinBank và BIDV với quy mô 300.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. ACB cũng triển khai gói tín dụng 1.300 tỷ đồng ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI trong năm 2024, giúp tăng cường hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn...
Các NHTM thường xuyên thực hiện các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, từ đầu năm đã có 88 hội nghị đã được tổ chức với 739 khách hàng tiếp cận. Đến nay, thông qua các chương trình hỗ trợ, dư nợ cho vay đạt 8.598 tỷ đồng, chiếm 7,87% tổng dư nợ cho vay của toàn tỉnh. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay mới chiếm tới 99,97%. Hiện tại, có 2.424 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các NHTM tại Quảng Nam, đạt dư nợ 42.222 tỷ đồng, chiếm 38,68% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ đạt 12.207 tỷ đồng, tương đương 28,91% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế, một số doanh nghiệp ở Quảng Nam vẫn đối mặt khó khăn trong việc tiếp cận vốn do không đáp ứng các tiêu chí, như thiếu tài sản thế chấp, đang trong tình trạng có nợ xấu, hoặc phương án kinh doanh chưa khả thi. Một số doanh nghiệp khác dù đã từng bước phục hồi song phần lớn vẫn gặp trở ngại về khả năng tài chính và chưa đủ nguồn lực để trả hết các khoản nợ cũ...
Về phía ngành Ngân hàng, các NHTM đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn và gói tín dụng ưu đãi để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Song, ông Phạm Trọng khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án kinh doanh khả thi và nâng cao năng lực quản trị để có thể tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi mà ngành Ngân hàng đang cung cấp.
Với sự đồng hành tích cực của ngành Ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Nam hy vọng sẽ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương trong thời gian tới.
Nghi Lộc