Ngành dịch vụ tài chính ô tô của Anh đang rơi vào khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng đang bùng phát bắt nguồn từ một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Phúc thẩm Anh vào cuối tháng 10. Các thẩm phán đã phán quyết rằng một công ty môi giới không thể hợp pháp nhận hoa hồng từ tổ chức tài chính nếu không có được sự đồng ý đầy đủ của khách hàng về khoản thanh toán.
Quyết định này cũng đã khiến nhiều người trong ngành tài chính ô tô bất ngờ và dường như đã mở đường cho một chương trình bồi thường trị giá hàng tỷ bảng Anh để bồi thường cho người tiêu dùng.
Và điều này đã thúc đẩy sự so sánh với vụ bê bối bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI) của Anh, ước tính đã khiến các ngân hàng thiệt hại hơn 50 tỷ bảng Anh (63,8 tỷ USD) và được xem là vụ bê bối tiêu dùng lớn nhất trong lịch sử dịch vụ tài chính của nước này.
Hôm thứ Tư (13/11), Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh (FCA) cho biết sẽ viết thư cho Tòa án tối cao để đẩy nhanh quyết định về việc có nên bật đèn xanh cho các tổ chức tài chính kháng cáo phán quyết hay không.
Niklas Kammer, nhà phân tích tại Morningstar cho biết các ngân hàng của Anh đã bị bỏ lại "trong tình trạng bấp bênh" kể từ phán quyết của tòa án ngày 25/10.
“Tôi nghĩ có thể nói rằng phán quyết của Tòa Phúc thẩm khiến các ngân hàng cũng như FCA bất ngờ. Theo các ngân hàng, họ đã tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn do FCA đặt ra, nhưng không phù hợp với phán quyết mới của Tòa Phúc thẩm… Do đó, có sự không chắc chắn đáng kể về bộ quy tắc mà các ngân hàng phải tuân thủ. FCA đã nói rằng họ sẽ chờ kết quả của phán quyết tiềm năng của Tòa án Tối cao trước khi đưa ra quyết định về vấn đề này”, nhà phân tích Kammer cho biết.
“Nếu phán quyết vẫn được giữ nguyên, FCA sẽ phải thay đổi các quy tắc về việc công bố thông tin. Ban đầu, FCA chỉ ra rằng vấn đề này không nên có quy mô tương tự như vụ bê bối PPI, nhưng nếu phán quyết mới vẫn được giữ nguyên, thì các kịch bản xấu nhất cũng sẽ có tác động gần bằng quy mô đó”, nhà phân tích Kammer cho biết.
Benjamin Toms, nhà phân tích ngân hàng tại RBC Capital Markets cho biết nếu Tòa án Tối cao duy trì phán quyết của Tòa Phúc thẩm, tác động tiêu cực đối với lĩnh vực tài trợ cho ô tô, bao gồm cả ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng có thể lên tới 28 tỷ bảng Anh.
Việc đóng băng cung cấp dịch vụ tài chính cho lĩnh vực ô tô có thể làm rung chuyển nền kinh tế Anh bằng cách làm tắc nghẽn thị trường ô tô và kéo giảm doanh số bán hàng.
"Một số bên cho vay có khả năng rút khỏi thị trường, điều này có nghĩa là ít lựa chọn hơn và giá cao hơn cho những người muốn mua xe…Ngoài ra còn có khả năng xảy ra tình trạng lách luật, với các loại hình cho vay khác như tài chính cao cấp cũng đang được chú ý", ông cho biết.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài