1. Chứng khoán

Ngân hàng và công nghệ dẫn đầu danh mục đầu tư của các quỹ lớn

Ngành ngân hàng, công nghệ, bất động sản và công nghiệp đang là những trụ cột chính trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ lớn.

Theo đánh giá của ông Lê Tự Quốc Hưng – Trưởng phòng Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng phân bổ vào từng nhóm ngành không chỉ phản ánh kỳ vọng lợi nhuận mà còn cho thấy cách các quỹ đánh giá vai trò chiến lược của từng lĩnh vực trong dài hạn.

Cụ thể, với ngành ngân hàng, chuyên gia từ VDSC cho biết, ngân hàng gần như luôn giữ vị trí trung tâm. Quan sát danh mục của các chứng chỉ quỹ trên thị trường trong kỳ quý I, tỷ trọng đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng dao động ở mức cao, từ 30% - 40%. Không chỉ dừng lại ở việc phân bổ ngành, các quỹ còn lựa chọn kỹ lưỡng những cổ phiếu đầu ngành, phản ánh niềm tin lớn vào triển vọng tăng trưởng ổn định và bền vững của lĩnh vực này.

“Sở dĩ ngân hàng được ưu ái như vậy là bởi đây vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao thường ở mức 14–16% mỗi năm, không chỉ thể hiện sức cầu vốn của nền kinh tế, mà còn là cơ sở cho kỳ vọng lợi nhuận tích cực của các ngân hàng trong dài hạn. Mặc dù có thể chịu áp lực ngắn hạn từ nợ xấu hay biến động bất thường, triển vọng của ngành ngân hàng về tổng thể vẫn được các quỹ đánh giá là hấp dẫn và khó thay thế trong danh mục dài hạn” – chuyên gia từ VDSC giải thích.

Từ góc nhìn tăng trưởng, ngành công nghệ nổi lên như một điểm sáng mới trong bức tranh phân bổ vốn. Khác với các lĩnh vực truyền thống, công nghệ có khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng với chi phí đầu vào chủ yếu là nhân lực.

Các sản phẩm phần mềm, giải pháp số mang tính linh hoạt cao và dễ nhân rộng, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghệ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch sang số hóa. Chính yếu tố này khiến ngành công nghệ trở thành một trong những lựa chọn ưu tiên cho dòng vốn trung và dài hạn của các quỹ.

Trong khi đó, bất động sản dù từng chịu áp lực lớn trong 2 năm trở lại đây do khủng hoảng trái phiếu và độ trễ chính sách vẫn được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng. Quá trình đô thị hóa nhanh tại Việt Nam tạo nền tảng cho việc gia tăng giá trị tài sản theo thời gian.

Với những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, pháp lý rõ ràng, phần giá trị tiềm tàng đó dù chưa được phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính, nhưng hoàn toàn có thể trở thành nguồn tạo dòng tiền mạnh mẽ trong tương lai. Khi khung pháp lý được hoàn thiện và thanh khoản thị trường cải thiện, bất động sản nhiều khả năng sẽ lấy lại vị thế trọng yếu trong danh mục đầu tư của các quỹ.

Song hành cùng 3 lĩnh vực trên, nhóm ngành công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật nền tảng cũng đang thu hút sự quan tâm.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hóa và đầu tư phát triển hạ tầng, những lĩnh vực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và nền kinh tế cơ sở sẽ có nhiều dư địa để mở rộng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng có khả năng thu hút dòng vốn. Các quỹ đang chủ động sàng lọc, tìm kiếm những cái tên thực sự nổi bật về năng lực vận hành, định hướng chiến lược và khả năng thích nghi với xu hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Thu Hương

Tin khác