Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng khi cần thiết
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã tổ chức việc thực hiện quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong công tác nắm, quản lý thị trường và xử lý các hành vi vi phạm.
Đã cung ứng ra thị trường hơn 11 tấn vàng
Đối với thị trường vàng miếng, theo bà Hồng, đã được sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.
Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ (TSMN), đã được tổ chức, sắp xếp lại, số doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN là 6.681 doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng TSMN là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động mua, bán vàng TMSN chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải xin phép NHNN. Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng TSMN, các doanh nghiệp tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng TSMN.
NHNN và các Bộ, ngành theo thẩm quyền đã ban hành đầy đủ khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, cụ thể: NHNN cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các quy định liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; Bộ Tài chính ban hành các quy định về thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có hợp đồng gia công vàng trang sức mỹ nghệ với nước ngoài đều được NHNN cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Thông tin về diễn biến giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giai đoạn 2014-2019, giá vàng thế giới tương đối ổn định và có xu hướng giảm. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới biến động rất phức tạp, khó lường theo xu hướng tăng là chủ đạo. Tính đến sáng ngày 05/11/2024, giá vàng thế giới ở mức 2.727 USD/oz; tăng 661 USD/oz, tương đương tăng 31,99% so với đầu năm 2024 và tăng 833 USD/oz, tương đương tăng 43,98% so với cuối năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều NHTW tăng mạnh.
Trong nước, giá vàng biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC. Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng 5/2024). Tại thời điểm sáng ngày 05/11/2024, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 87/89 triệu đồng/lượng, tăng 13,5 triệu đồng/lượng (khoảng 18%) so với đầu năm 2024. Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung-cầu trên thị trường, cụ thể:
Về phía cung, từ năm 2014 đến năm 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4/2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.
Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 02 địa bàn lớn là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.
Bên cạnh các lý do nêu trên, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, NHNN đã triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với nguyên tắc tương tự như các Phiên đấu thầu bán vàng miếng đã thực hiện trong năm 2013. Từ 19/4/2024 đến 23/5/2024, NHNN đã tổ chức 09 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.
Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp. NHNN lựa chọn 04 NHTMNN và Công ty SJC.
Kết quả là từ ngày 03/06 đến 29/10/2024, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).
Trước thời điểm NHNN thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (~25%). Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5%-7%).
Đấu thầu vàng miếng, bán vàng miếng trực tiếp là các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường được NHNN thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.
Trong thời gian gần đây, NHNN đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố (Cục quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an...) kiểm tra các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng, từ đó có chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.
Ngày 17/5/2024, NHNN đã ban hành quyết định thanh tra đối với 6 TCTD và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Bên cạnh đó, để giảm mức chênh lệch giá vàng miếng trong nước so với giá thế giới cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách để găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan gây mất ổn định thị trường vàng; làm việc với UBND thành phố HCM để thống nhất chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Công ty SJC trong việc triển khai các nhiệm vụ để ổn định thị trường vàng.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các Chi nhánh NHNN phối hợp với với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường triển khai công tác thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh vàng và xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền...
Sẽ tăng cường điều tiết thị trường vàng
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các cơ quan hữu quan để kịp thời cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng.
Thanh Hòa