Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành: Cổ phiếu nhóm bảo hiểm tăng mạnh
Chịu tác động từ những thông tin tiêu cực, chứng khoán Việt Nam liên tiếp giảm sâu 4 phiên và VN-Index về vùng đáy 2 năm, phiên hôm nay các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu có mức tăng đều, mạnh nhất phiên hôm nay có lẽ thuộc về ngành bảo hiểm. Cổ phiếu ngành bảo hiểm ngập trong sắc xanh và không còn mã nào ở chiều giá đỏ.
Cụ thể, BLI tăng 8%, ABI tăng 5,3%, VNR tăng 4,7%, BMI tăng 4,5%, BVH tăng 4,4%, PVI tăng 4,1%, PRE tăng 3,8%, MIG tăng 3,3%, PTI tăng 2,5%.
Thông tin có tác động tích cực tới nhóm ngành bảo hiểm là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng các mức lãi suất điều hành. Theo đó, tối 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã có các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2022
Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm. Lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung và các ngành nói riêng. Tuy nhiên mỗi ngành sẽ có tác động khác nhau. Nhóm ngành bảo hiểm và một số nhóm ngành có lượng tiền mặt dồi dào được hưởng lợi từ câu chuyện tăng lãi suất.
Về lý thuyết thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hưởng lợi chính vì là đây là những doanh nghiệp cầm tiền và gửi tiết kiệm nhiều nhất. Ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh tiền, họ huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…). Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gửi tiết kiệm và mua trái phiếu, ít khi đầu tư cổ phiếu và các tài sản rủi ro.
Bên cạnh đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, với động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp hưởng lợi không phải là doanh nghiệp có lượng tiền gửi lớn nhất, mà là các đơn vị đang có quy mô tiền ròng lớn nhất (tiền, tương đương tiền trừ đi các khoản vay nợ có lãi suất) do cần bù trừ với tác động từ khả năng ngân hàng tăng lãi suất đầu ra.
Trở lại diễn biến thị trường, các cổ phiếu đầu ngành, trụ cột đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số trong phiên hôm nay. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 20 mã tăng giá, trong khi chỉ có 6 mã giảm giá và 4 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index cũng tăng tới 17,64 điểm.
Các mã tăng mạnh trong rổ VN30 có thể kể đến như các cổ phiếu đầu ngành ngân hàng. Cụ thể, CTG tăng kịch trần, với mức 6,9%. Tiếp đến ACB tăng 4,6%, VCB tăng 2,8%. Các cổ phiếu đầu ngành thực phẩm đồ uống như: SAB tăng 3,8%, MSN tăng 3%, VNM tăng 2,7%. Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa đứng đầu các ngành khác như: HPG tăng 4,3%, FPT tăng 3%, VRE tăng 2,8%...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, y tế… vẫn chìm trong sắc đỏ.
Về diễn biến khối ngoại, hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 89 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng 10,67 tỷ đồng trên HNX và 2,08 tỷ đồng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/10, VN-Index tăng 11,55 điểm lên 997,7 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 751,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.607,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 199 mã tăng giá, 247 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.
HNX-Index giảm nhẹ 1,48 điểm xuống 208,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 78,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.049 tỷ đồng. Toàn sàn có 56 mã tăng giá, 128 mã giảm giá và 44 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,2 điểm xuống 76,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 33,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 441,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 110 mã tăng giá, 172 mã giảm giá và 62 mã đứng giá./.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN