1. Tài chính

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân người dân không bán được vàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) về giải pháp để quản lý thị trường vàng trong hiện tại và tương lai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ tháng 6-2024, giá vàng thế giới lập “đỉnh”, chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới cũng tăng cao. Can thiệp qua 9 phiên đấu thầu, nhưng chênh lệch vẫn cao nên Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ đó, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến hiện tại chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, thị trường vàng vẫn sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp; trong khi nước ta không sản xuất vàng, việc can thiệp thị trường vàng hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường quốc tế. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát để đưa ra chính sách bình ổn thị trường vàng.

Đối với vấn đề ngân hàng, tổ chức tín dụng “chỉ bán mà không mua vàng” được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung cấp vàng miếng ra thị trường bởi đây là đơn vị độc quyền mặt hàng này. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cung cấp nguồn cung nhưng chưa đặt vấn đề mua lại. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng nguồn cung vàng.

“Hiện nay, có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Các tổ chức, doanh nghiệp này vẫn mua bán vàng bình thường nhưng không mua lại vàng vì một vài lý do nào đó về cân đối tiền”, Thống đốc nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Tiếp tục trả lời tranh luận về ngân hàng, tổ chức tín dụng “chỉ bán mà không mua vàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải đầu tư trang thiết bị, nhân lực để tránh rủi ro về chất lượng vàng khi tham gia bình ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước cân nhắc đề xuất mới về thị trường vàng miếng sẽ có giải pháp mới xử lý vấn đề này. “22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng có chi nhánh ở rất nhiều nơi. Nên việc các đơn vị không mua lại vàng cũng do một số nguyên nhân biến động của thị trường rất cao, họ phải cân nhắc nhằm phòng ngừa rủi ro. Ví dụ như mua vàng của người dân ở mức giá này nhưng khi giá vàng xuống bán sẽ chịu rủi ro”, Thống đốc nói.

Về quan điểm đối với sàn giao dịch vàng được đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, nước ta không sản xuất vàng, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường quốc tế, để thành lập sàn giao dịch vàng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tham mưu đề xuất Chính phủ thành lập ở một thời điểm phù hợp.

Mai Hữu

Tin khác