1. Tài chính

Ngân hàng Nhà nước không cấm tín dụng bất động sản, nhưng ngân hàng có thể từ chối cho vay

Đặt câu hỏi chất vấn cho Thống đốc, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu vấn đề: tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng dư nợ trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc nhiều thời điểm cao hơn 30%.

"Như vậy, còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai)

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của chính các ngân hàng thương mại, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động.

Hiện nay, có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, có ngân hàng chủ yếu huy động được vốn ngắn hạn. Hiện nay, 80% nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Trong khi đó, tín dụng bất động sản chủ yếu là kỳ hạn dài. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải dựa trên khả năng cân đối vốn của mình, đảm bảo nguyên tắc an toàn, đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.

"Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay, không cho vay bất động sản", bà Hồng khẳng định.

Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) về việc ngân hàng "chạy sô" tăng trưởng tín dụng và đề nghị hạn chế tín dụng bất động sản, Thống đốc cho hay, NHNN luôn đặt an toàn hệ thống lên trên hết.

Đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng. Đơn cử có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng, dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.

Về tín dụng bất động sản, bà Hồng nhắc lại Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn để giảm rủi ro cho hệ thống.

Với các câu hỏi của đại biểu quốc hội liên quan tới tín dụng hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp, Thống đốc cho rằng, nguồn lực thực hiện chương trình nhà ở xã hội chủ yếu vẫn là ngân sách. NHNN đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thời gian tới sẽ tích cực triển khai.

Hiện gói tín dụng này đã tăng lên 145.000 tỷ đồng và đang đề xuất sửa đổi. Giải ngân gói tín dụng này thấp, theo Thống đốc là do các địa phương chậm công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này. Ngoài ra, khách hàng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện mới được vay vốn trong khi thu nhập của người dân sau Covid -19 bị sút giảm. Thống đốc kỳ vọng cầu mua nhà sẽ tăng khi nền kinh tế bớt khó khăn. NHNN kiến nghị Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá kỹ nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp.

T.L

Tin khác