Ngân hàng nào đang cho vay 'mạnh tay' nhất?
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2024 của 28 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng lượng vốn cho vay khách hàng của các ngân hàng tính đến 30/9 lên đến 11,095 triệu tỷ đồng, tăng 11,53% so với cuối năm 2023.
BIDV dẫn đầu với số vốn cho vay tại thời điểm 30/9 lên đến 1,914 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng cho vay tới 17% trong số 28 nhà băng được thống kê trong bài này.
VietinBank đứng thứ hai với dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,592 triệu tỷ đồng, tăng 9,04% so với cuối năm ngoái và chiếm thị phần cho vay 14,36%.
Tỷ trọng thị phần cho vay khách hàng của các ngân hàng chỉ mang tính tương đối khi Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Hơn nữa, do 5 ngân hàng yếu kém gồm SCB, Dong A Bank, OceanBank, GPBank và CB không công bố báo cáo tài chính nên tổng quan về thị phần cho vay của ngành ngân hàng không có 5 ngân hàng này.
Trong khi đó, Vietcombank đứng thứ ba về lượng vốn cung ứng ra thị trường, đạt 1,387 triệu tỷ đồng, tăng 10,23% so với cuối năm ngoái và chiếm thị phần cho vay 13%.
Ngoài 3 “ông lớn” quốc doanh nói trên, Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất trong 3 quý đầu năm lần lượt gồm: MB, Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank.
Xếp hạng thứ tự không thay đổi so với thời điểm cuối quý II khi tổng lượng vốn cho vay ra của Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất đạt 8,633 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lên đến 74% trong tổng dư nợ cho vay của 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính.
Trong đó, MB cho vay 664.451 tỷ đồng, tăng 14,98% so với cuối năm ngoái, chiếm tỷ trọng thị phần cho vay 5,99%.
Techcombank cho vay 600.807 tỷ đồng, tăng mạnh 19,68% so với cuối năm ngoái, chiếm 5,41% thị phần cho vay.
VPBank cho vay 565.557 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cuối năm ngoái, chiếm 5,1% thị phần cho vay.
ACB cho vay 545.333 tỷ đồng, tăng 13,31% so với cuối năm ngoái, chiếm 4,91% thị phần.
Sacombank cho vay 513.690 tỷ đồng, tăng 8,87% so với cuối năm ngoái, chiếm 4,63% thị phần.
SHB cho vay 467.468 tỷ đồng, tăng 10,07% so với cuối năm ngoái và chiếm 4,21% thị phần.
Ngân hàng còn lại trong Top 10 là HDBank với 381.463 tỷ đồng dư nợ cho vay tính đến 30/9, tăng mạnh 16,54% so với cuối năm ngoái, chiếm 3% thị phần cho vay.
Ở chiều ngược lại, Saigonbank là ngân hàng có dư nợ cho vay thấp nhất hệ thống với chỉ 19.967 tỷ đồng dư nợ tính đến 30/9, tăng nhẹ 2,20%.
Ngoài Saigonbank, 8 ngân hàng còn lại có dư nợ cho vay dưới 100.000 tỷ đồng gồm: ABBank (98.767 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,67%); VietBank (91.953 tỷ đồng, tăng 13,87%); Viet A Bank (77.267 tỷ đồng, tăng 11,89%); NCB (64.380 tỷ đồng, tăng 16,33%); BVBank (64.080 tỷ đồng, tăng 10,93%); Kienlongbank (59.275 tỷ đồng, tăng 14,47%); Baovietbank (46.381 tỷ đồng, tăng 12,03%) và PGBank (36.891 tỷ đồng, tăng 4,40%).
Thống kê cho thấy, 100% ngân hàng đều có tăng trưởng tín dụng dương. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại có sự bứt phá kể từ quý II/2024 và tính đến cuối quý III đã có tới 11 ngân hàng đạt mức tăng trưởng từ 14% so với thời điểm cuối năm 2023.
Dẫn đầu về mức tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm là Techcombank (19,68%), HDBank (16,54%), NCB (16,33%), LPBank (16,10%), Nam A Bank (15,8%), MSB (15,29%), MB (14,98%), Kienlongbank (14,47%) và TPBank (14,35%).
Tuân Nguyễn