1. Tài chính

Ngân hàng big 4 bị nộp thuế oan; Thị trường vàng không loại trừ nguy cơ bị thao túng

Vàng trang sức được sử dụng như vàng miếng, NHNN nghi ngờ nguyên liệu sản xuất là vàng lậu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hiện một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng, không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có Báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Thống đốc, hiện đang có hai tồn tại, hạn chế trong quản lý thị trường vàng. Một trong hai tồn tại đó là, một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng, không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu. Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Trước đó, thực hiện Nghị định 24, đối với thị trường vàng miếng, NHNN đã sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng TCTD và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, số doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải xin phép NHNN.

Theo Thống đốc, từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, các doanh nghiệp tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Ngoài hiện tượng vàng trang sức “lách” quy định vàng miếng, một tồn tại nữa của thị trường vàng, theo đánh giá của NHNN là vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

NHNN cũng nhận diện, nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội, TP.HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Ngoài ra, NHNN cũng không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.

Về định hướng quản lý thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

NHNN sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Ngân hàng Nhà nước: Điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục gặp nhiều áp lực

Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ ra một loạt thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, trong đó có việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm thêm lãi suất.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có Báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Về điều hành lãi suất, trong 10 tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.

Với tỷ giá, nhìn chung, giai đoạn từ 2022 đến tháng 10/2024, mặc dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền.

Về tín dụng, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.

Lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.

Theo Thống đốc, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức và điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục gặp nhiều áp lực.

Thứ nhất, lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan;...

Thứ hai, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn do: (i) Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023); (ii) Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất; (iii) Sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Thứ ba, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).

Thứ tư, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp: Sau khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do vướng mắc về thủ tục pháp lý của Dự án, năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi,…

Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, AMRO đều nhận định dư địa nới lỏng CSTT của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Định hướng của NHNN thời gian tới là tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành các công cụ CSTT chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD, hỗ trợ điều hành CSTT. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thực hiện các biện pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tỷ giá USD hạ nhiệt nhưng vẫn cao kịch biên độ

Ngày 8/11, ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng trong ngày ở mức 24.278 VND/USD, giảm 5 VND so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, mức trần của tỷ giá là 25.491 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND hiện đang giao dịch ở mức 25.191 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 25.491 VND/USD (bán ra), giảm 6 VND so với hôm qua. Dù vậy, tỷ giá ngân hàng vẫn đang cao kịch biên độ.

Trên thị trường tự do, giá USD khảo sát tại một số cửa hàng cũng giảm sâu, nhất là ở chiều thu mua. Một số cửa hàng đang mua lại USD với giá 25.500 đồng, trong khi bán ra 25.800 đồng. Áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm bớt, phần nào tạo dư địa cho NHNN giảm tỷ giá trung tâm và “hạ nhiệt” tỷ giá trên cả thị trường chính thức và phi chính thức.

Trước đó, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh bất ngờ biến động mạnh, leo lên vượt 105 điểm - mức cao nhất trong gần bốn tháng trở lại đây trước kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã điều chỉnh sau đó nhưng vẫn rất mạnh, tiếp tục ở vùng đỉnh 3 tháng. Hiện chỉ số DXY giao dịch quanh mức 104,5 điểm.

Đồng đôla điều chỉnh sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất quỹ liên bang 25 điểm cơ bản xuống 4,5%-4,75%. Điều này không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Tương tự Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng cắt giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, Chủ tịch Powell khẳng định Fed không theo bất kỳ lộ trình định sẵn nào và sẽ tiếp tục quyết định trên cơ sở dữ liệu ở từng cuộc họp. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh kết quả cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định chính sách trong thời gian tới và Fed không đưa ra giả định các chính sách tương lai của Chính phủ.

Chủ tịch Fed tỏ ra thận trọng về khả năng giảm lãi suất trong tháng 12. "Chúng tôi sẽ phải chờ xem dữ liệu,6 tuần dữ liệu tới sẽ được sử dụng để xem xét từ giờ đến thời điểm ra quyết định. Ông Powell cũng khẳng định chính sách vẫn đang ở trạng thái thắt chặt ngay cả sau đợt cắt giảm lãi suất vừa qua. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump , ông đã có chỉ trích đối với ông Powell. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Powell sẽ kết thúc vào đầu năm 2026. Yếu tố Trump có thể là một áp lực cho tiến trình chính sách phía trước. Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới đầu tư đặt cược nhiều vào khả năng Fed có thể giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 12, sau đó tạm dừng trong tháng 1 để đánh giá tác động của các chính sách.

Giới chuyên gia đưa ra nhiều dự đoán trái chiều liên quan đến các động thái tiếp theo của Fed. Chuyên gia từ JP Morgan cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hàng quý kể từ tháng 12, trong khi theo dự đoán của Nomura, Fed sẽ chỉ cắt giảm một lần vào năm 2025. Các quan điểm khác nhau cũng cho thấy sự không chắc chắn về triển vọng chính sách tiền tệ ông Trump tái đắc cử và trở thành Tổng thống.

Từ thời điểm kết quả bầu cử bắt đầu hé lộ về khả năng chiến thắng của ông Trump, thị trường tài chính đã có những biến động bất thường. Phản ứng mạnh trước chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, giá vàng khắp nơi đều giảm sâu và hiện đồng loạt nhích nhẹ trở lại sau quyết định hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn đêm qua.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đang giao dịch tại 2.700 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích thêm 2 USD/ounce lên 2.707 USD/ounce. Có thời điểm giá vàng đã “rơi tự do” xuống dưới 2.650 USD/ounce, giảm tới 100 USD/ounce chỉ trong vỏn vẹn 1 ngày.

Ở nhiều giai đoạn biến động, chênh lệch giá vàng trong phiên nới rộng không phải chuyện quá bất thường. Tuy nhiên, trong thời gian dài gần đây, giá vàng đã duy trì trạng thái giằng co và tăng trong biên độ hẹp. Phiên gần nhất cũng ghi nhận mức giảm lên tới 100 USD/ounce là vào đầu tháng 6/2024.

Trong khi đó, tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng đang giao dịch ở mức 623 nhân dân tệ/gram, không rơi sâu nhưng cũng không phục hồi đáng kể.

Tại thị trường Việt Nam, vàng “rớt” giá chóng mặt tương tự diễn biến thế giới. Ngày 7/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh giá vàng miếng SJC tới 8 lần, đặc biệt giảm mạnh ở chiều mua vào. Đóng cẳ chiều qua, SJC niêm yết giá vàng ở mức 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch mua - bán tăng vọt từ 2 triệu đồng lên 4,5 triệu đồng mỗi lượng. Một số hãng vàng có thời điểm hạ giá thu mua về còn 80,5 triệu đồng/lượng.

Nếu nhà đầu tư mua vàng miếng SJC trên đỉnh 90 triệu đồng/lượng hôm 31/10 và thực hiện cắt lỗ hôm qua, khoản lỗ có thể xấp xỉ cả chục triệu đồng mỗi lượng.

Hiện giá vàng đã được SJC tăng thêm 1 triệu đồng/lượng. Tương tự, các hãng vàng khác đồng loạt niêm yết tại mức giá 82 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 86,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng nhẫn cũng nhích nhẹ sau một ngày biến động sâu. Chênh lệch mua – bán một số nơi giữ nguyên ở mức 1 triệu đồng mỗi lượng, một số nơi nới lên hơn 2 triệu đồng/lượng nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn khonarg chênh của vàng miếng.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn bán ra ở mức 84,8 triệu đồng/lượng trong khi giá mua vào tương đối thấp 82 triệu đồng/lượng. Đây cũng là giá mua thấp nhất đối với sản phẩm nhẫn 9999 trên thị trường hiện tại. Giá thu mua vàng nhẫn ở khá nhiều hãng kinh doanh vàng cao hơn vàng miếng SJC tới vài trăm nghìn đồng mỗi lượng.

Chủ tịch Agribank: Ngân hàng big 4 bị phạt thuế “oan”, kiến nghị lập CIC cho chứng khoán

Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Agribank cảnh báo quy mô cho vay cầm cố trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn, nhưng chưa có trung tâm thông tin tín dụng để cảnh báo rủi ro cho các công ty chứng khoán.

Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Agribank.

Phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 7/11 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Agribank chỉ ra một số bất cập trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đang có một số vướng mắc liên quan đến việc kiểm toán báo cáo tài chính.

Cụ thể, hoạt động của ngân hàng thương mại có đặc thù liên quan tới hoạt động trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định, các ngân hàng phân loại nợ theo 5 nhóm, mỗi nhóm lại có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khác nhau (từ 0% với nợ nhóm I đến 100% với nợ nhóm V). Chi phí trích lập dự phòng được tính vào chi phí hoạt động và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Thực tế, việc trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng không chỉ mang yếu tố định lượng, mà còn có cả yếu tố định tính. Điều này dẫn tới trường hợp một số khoản nợ được ngân hàng thương mại xác định nhóm này, nhưng kiểm toán lại xác định nhóm khác, dẫn tới tỷ lệ trích lập dự phòng khác nhau, kéo theo chi phí và lợi nhuận sẽ tăng hoặc giảm trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Thông thường, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán ngân hàng thương mại nhà nước hai năm một lần, tức khi ngân hàng thương mại đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trong trường hợp ngân hàng bị giảm lợi nhuận sau kiểm toán, phần thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp thừa sẽ được chuyển sang năm sau. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng tăng lợi nhuận thì ngân hàng thương mại nhà nước ngoài nộp bổ sung còn phải chịu phạt nộp chậm thuế.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, việc bị nộp phạt thuế này “hơi oan” cho ngân hàng thương mại nhà nước, vì ngân hàng không cố tình làm sai hoặc chậm nộp thuế, mà chỉ do quan điểm khác nhau giữa ngân hàng và kiểm toán trong phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định không phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp điều chỉnh tăng lợi nhuận theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước (Bổ sung vào Điều 59 Luật Quản lý thuế).

Đối với lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Phạm Đức Ấn cảnh báo quy mô thị trường cho vay cầm cố hiện khá lớn (thống kê mới nhất của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán - đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2024) và cần thêm công cụ quản trị rủi ro.

Theo đại biểu, các ngân hàng thương mại đã có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng vay, trong khi công ty chứng khoán chưa có mô hình tương tự. Điều này dẫn tới một khách hàng có thể vay tại nhiều công ty chứng khoán, trong trường hợp khách hàng này bị một công ty chứng khoán bán giải chấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại các công ty chứng khoán còn lại. Vì vậy, rất cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán (tương tự CIC) để giúp các công ty chứng khoán quản trị rủi ro tốt hơn.

Kết quả bầu cử Mỹ tác động ra sao đến lãi suất, tỷ giá VND/USD

Lãi suất VND và tỷ giá VND/USD đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn.

Theo chia sẻ của ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, ngân hàng UOB Việt Nam, kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá VND/USD.

Trong những ngày đầu tiên của tháng 11/2024, thị trường ghi nhận mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng so với mức giao dịch bình quân khá thấp trong tháng 10; đồng thời tỷ giá VND/USD trong vài tuần vừa qua cũng tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024.

Ông Quang cho rằng, các diễn biến này khá tương đồng với các biến động dữ dội gần đây trên thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu từ những sự kiện lớn như xung đột tại Ukraina và Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo kết quả bầu cử tại thị trường lớn nhất thế giới chưa có kết quả rõ ràng, chênh lệnh tốc độ phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế lớn… dẫn đến nhiều xu hướng dịch chuyển và phân tán rủi ro tài sản và đầu tư.

Theo nhận định của ông Quang, ở góc độ toàn cầu, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ đáng ngạc nhiên so với các nền kinh tế lớn khác mặc dù lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao trong suốt hai năm qua. USD đã giảm giá trị trong tháng 9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất với mức cao là 50 điểm, nhưng ngay trong tháng 10/2024, đồng bạc xanh đã gần như lấy lại toàn bộ giá trị mất đi sau các dữ liệu kinh tế vững chắc được công bố (kinh tế phát triển, việc làm mới vững chắc và lạm phát giảm).

Với thị trường trong nước, trong bối cảnh như thế, Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái can thiệp nhằm ổn định các thị trường. Khi tỷ giá tỷ giá VND/USD tăng khá mạnh, cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá.

Số liệu giao dịch ngoại hối trong vài tháng qua cho thấy phát sinh nhu cầu mua ngoại tệ tương đối lớn từ Kho bạc nhà nước đi cùng việc kho bạc giảm bớt lượng tiền gửi VND tại hệ thống các Ngân hàng thương mại. Và khi thị trường cần thêm thanh khoản VND, Cơ quan quản lý đã bơm hỗ trợ thông qua kênh thị trường mở.

Theo số liệu tham khảo đến cuối ngày 4/11/2024, số dư phát hành tín phiếu khoảng 80 ngàn tỷ đồng (kênh hút) trong khi số dư bơm thanh khoản qua thị trường mở là 50.000 tỷ đồng (kênh bơm). Như vậy, cơ quan quản lý đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ ổn định thị trường và cho thấy chưa có tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường. Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp tại các Ngân hàng thương mại được giữ ở mức ổn định trong tháng 10 và đầu tháng 11 cũng khẳng định thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản.

Về công tác dự báo diễn biến tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới, Ngân hàng UOB hiện tiếp tục đưa ra các mức dự báo trên các yếu tố nền tảng và tiềm năng tốt cho kinh tế Việt Nam trong thời gian cuối năm 2024 và 2025.

Theo ông Đinh Đức Quang, trên cơ sở Việt Nam tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn, thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng sẽ hỗ trợ tỷ giá tỷ giá VND/USD biến động quanh mức 3% hàng năm, trong đó quý IV/2024 25.200 VND/USD, quý I/2025 là 25.000 VND/USD, quý II/2025 là 24.800 VND/USD và quý III/2025 là 24.600 VND/USD.

"Kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá tỷ giá VND/USD do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn", ông Quang cho biết thêm.

Về lãi suất, ông Đinh Đức Quang cũng dự báo, cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và sẽ tiếp tục sử dụng kinh hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở OMO) để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3-4% và dài hạn 12 tháng ở mức 5-6%.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ giá tăng nhẹ gần đây do thị trường đang có những dự báo khác nhau về lộ trình cắt thêm lãi suất của Fed, song áp lực lên tỷ giá sẽ không quá lớn trong quý cuối năm.

Theo ông Khoa, từ giờ đến cuối năm, thị trường cũng sẽ có biến động, nhất là trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc và tùy theo chính quyền nào sẽ thắng cử. Nếu ông Donal Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ thì khả năng chỉ số Dolla Index sẽ tăng tiếp, do Fed sẽ chậm lại lộ trình cắt giảm lãi suất USD. Ngược lại, nếu bà Kamala Harris thắng cử thì lộ trình cắt lãi suất của Fed tiếp tục và sức khỏe USD sẽ giảm thì tỷ giá tiền đồng cũng được tác động tích cực, giảm nhiệt dần về cuối năm nay. Đặc biệt là nhu cầu thanh toán trong dịp cuối năm sẽ gia tăng so với nửa đầu năm.

Ông Khoa đánh giá, để lãi suất huy động tăng cao trong bối cảnh hiện nay là rất khó, kể cả thời điểm cầu vốn có tăng cao cuối năm nay. Bởi hiện lạm phát của Việt Nam được kiểm soát (số liệu mới nhất lạm phát của Việt Nam hiện được kiểm soát 3,6-3,7%) và Fed cũng đã giảm lãi suất và mặt bằng lãi suất chung của thế giới đang đi xuống thì không có lý do gì lãi suất huy động tăng cao, song cũng khó có thể giảm thêm.

Nếu nhìn vào tín dụng thì khoảng 25% vốn tín dụng đổ vào bất động sản và tín dụng cá nhân, nhất là đối với những công ty tài chính. Đây cũng là lý do vì sao tín dụng 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 9%, trong khi tăng trưởng kinh tế (GDP) vẫn đạt mục tiêu 6,5%. Còn nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn và không dễ tiếp cận được nguồn vốn, ngân hàng cạnh tranh tìm người vay.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, nếu kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng như hiện nay và thị trường bất động sản ấm dần lên trong thời gian tới thì mọi người sẽ tiêu dùng cao hơn. Nhưng ngược lại, người dân sẽ tiếp tục thắt chặt trong chi tiêu do khó khăn nên không dễ để kích cầu tín dụng, nhất là đối với tín dụng cho vay để tiêu dùng.

Cách thức xử lý điểm nghẽn trên thị trường vàng

Liên tiếp phá vỡ kỷ lục, vàng trở thành kênh đầu tư hiệu quả nhất kể từ đầu năm đến nay, nhưng thị trường vàng còn tồn tại nhiều điểm nghẽn.

Việc giải quyết điểm nghẽn cho thị trường vàng không phải là không có cách, song không phải với cơ chế, chính sách hiện nay.

Tuần qua, giá vàng miếng SJC trong nước chạm mốc lịch sử 90 triệu đồng/lượng, khi giá vàng thế giới lập kỷ lục chưa từng có (2.790 USD/ounce). Mặc dù đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng trong nước đã mất mốc 90 triệu đồng, giảm còn 89,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng và gần 89 triệu đồng/lượng (vàng nhẫn) song so với đầu năm, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Cụ thể, so với đầu năm nay, vàng miếng SJC đã tăng 15 triệu đồng/lượng, tức tăng 20%. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng tới 26 triệu đồng/lượng, tức tăng 41%. Trên thế giới, giá vàng 10 tháng đầu năm tăng 33%.

Bất chấp giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục, tuần qua, người dân vẫn xếp hàng đi mua vàng và hầu hết phải ra về tay không, vì các tiệm vàng không còn hàng để bán.

Theo chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh, giá vàng thế giới tăng mạnh thời gian qua là do một số yếu tố như: căng thẳng địa chính trị, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) hạ lãi suất, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu… Riêng ở Việt Nam, ngoài nguyên nhân giá vàng thế giới tăng, còn là vì thị trường chứng khoán “đì đẹt” mãi ở mốc 1.200 điểm, thị trường bất động sản vẫn trong tình thế “kẹt” thanh khoản.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng cao một phần còn do thị trường rơi vào cảnh khan hàng sau khi cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp hạn chế mua bán vàng, kiểm tra chặt chẽ hóa đơn giao dịch vàng.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, mặc dù Chính phủ liên tục đưa ra những giải pháp để quản lý thị trường vàng, nhưng đến nay vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, cung không đủ cầu, người dân phản ánh mua vàng khó khăn, trong khi nhập lậu vàng vẫn còn phức tạp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp hữu hiệu với thị trường vàng.

Tương tự, đại biểu Lê Thị Nga (Hà Nam) cũng đề nghị Chính phủ tập trung sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để thị trường này sớm vận hành bình thường trở lại.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trong quý III/2024, tiêu thụ vàng miếng của Việt Nam giảm tới 33%, trong khi cầu vàng các nước trong khu vực đều tăng trưởng hai con số.

Giá vàng thế giới và trong nước cuối tuần qua điều chỉnh nhẹ, song hiện vẫn có nhiều dự báo giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Dự báo này có thể thành hiện thực, bởi thị trường vàng đang được rất nhiều yếu tố hỗ trợ. Thực tế, so với cuối năm ngoái, vàng đã tăng giá tới 50%.

Tuy vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, thời điểm này đầu tư vàng ngắn hạn khá rủi ro vì giá vàng đã tăng rất nhanh thời gian qua và khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên trong thời gian tới. Hội đồng Vàng thế giới nhận định, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương - động lực tăng giá của vàng thời gian qua, đã chậm lại trong quý III/2024. Trong lịch sử, chu kỳ 10 năm của vàng thì phần lớn thời gian là đi ngang, chỉ 1 - 2 năm giá tăng mạnh, 1 - 2 năm giá sụt giảm. Tính đến thời điểm này, vàng đã có giai đoạn tăng giá khá dài và khá hiếm trong lịch sử.

Dù vậy, ngay cả khi thị trường điều chỉnh, theo các chuyên gia, sẽ khó có chuyện vàng rớt giá sâu về dưới 2.000 USD/ounce. Nói cách khác, khả năng điều chỉnh giá vàng có thể diễn ra, song mặt bằng giá mới của vàng đã được thiết lập. Lý do là nếu vàng giảm giá sâu, rất nhiều “cá mập” sẵn sàng đổ xô vào vàng.

Về quản lý thị trường vàng trong nước, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (Đoàn TP.HCM) nhận xét, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra thời gian qua đã có hiệu quả nhất định. Giá vàng thế giới tăng 33%, trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng 20% là minh chứng.

Mặc dù cho rằng thị trường vàng vẫn đang là một “điểm nghẽn” cần tìm cách giải quyết, song theo ông Ngân, nếu để người dân thoải mái mua vàng thì cân đối vĩ mô sẽ bị phá vỡ, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chi lượng ngoại tệ lớn cho nhập khẩu vàng.

“Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh quyền mua vàng của người dân để giải quyết điểm nghẽn lớn hơn, đó là giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ với các quyết định liên quan đến thị trường vàng. Theo đại biểu này, tình trạng người dân đổ xô vào vàng là dễ hiểu, khi thời gian qua lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn. Nhưng đối với nền kinh tế, tìm giải pháp để người dân rót vốn vào sản xuất, kinh doanh có lợi hơn là để người dân đổ xô vào tích trữ vàng.

T.L

Tin khác