1. Tài chính

Ngân hàng ACB: Dự báo tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ giảm xuống trong nửa cuối năm nay

Trước đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB - sàn HoSE) chủ yếu tập trung vào phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) (chiếm 94% dư nợ của ngân hàng). Tuy nhiên, nhóm khách hàng cá nhân còn gặp nhiều khó khăn trước các biến động kinh tế thời gian vừa qua nên Ngân hàng ACB đã dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn nhằm thích ứng với bối cảnh thị trường hiện tại.

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Báo cáo các ngân hàng, KBSV)

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB trong những tháng đầu năm ở mức âm so với cùng kỳ năm trước nhưng hoạt động tín dụng của ngân hàng này đã có tín hiệu tích cực hơn trong những tháng gần đây. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8/2023 của Ngân hàng ACB đã đạt mức 7% so với thời điểm đầu năm.

Theo đánh giá mới đây của KB Securities Vietnam (KBSV), mặc dù Ngân hàng ACB sẽ vẫn ưu tiên sự thận trọng trong hoạt động cho vay để hạn chế rủi ro nợ xấu, tín dụng của ngân hàng này dự kiến sẽ tăng tốc rõ rệt trong nửa cuối năm nay và sẽ hoàn thành hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp (14,5%).

Về vấn đề nợ xấu, mặc dù chất lượng tài sản của Ngân hàng ACB đã có sự suy giảm, một phần do chịu tác động từ phân loại hệ thống của CIC, nhưng nhìn chung các chỉ số liên quan đến tài sản của ngân hàng này vẫn ở mức tốt hơn so với các ngân hàng thương mại khác.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của Ngân hàng ACB qua các quý. (Nguồn: Ngân hàng ACB, KBSV)

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Ngân hàng ACB, tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là 1.200 tỷ đồng, các khoản vay tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 giảm xuống còn 5.800 tỷ đồng. Như vậy, tổng danh mục dư nợ tái cơ cấu của Ngân hàng ACB chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng dư nợ. Theo KBSV, đây là mức không quá quan ngại đối với hoạt động của Ngân hàng ACB.

Đáng chú ý, nợ xấu Nhóm 2 và Nhóm 3 của Ngân hàng ACB trong quý 2/2023 lần lượt tăng 4% và 16% so với quý 1/2023, cho thấy nợ các nhóm này đang tăng chậm lại. Đồng thời, tỷ lệ hình thành nợ xấu cũng có xu hướng giảm từ 0,34% trong quý 1/2023 xuống mức 0,2% trong quý 2/2023.

Tỷ trọng các nhóm nợ (Nhóm 2 - Nhóm 5) theo từng quý của Ngân hàng ACB. (Nguồn: Ngân hàng ACB, KBSV)

Do đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu tại Ngân hàng ACB trong nửa cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống khi tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện, giúp ngân hàng này giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng. Ngân hàng ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trong hệ thống ít chịu tác động từ các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Chi phí dự phòng trong quý 2/2023 của Ngân hàng ACB đã tăng mạnh lên mức 706 tỷ đồng, chủ yếu do phần trích lập dự phòng nợ xấu của CIC. Theo ban lãnh đạo Ngân hàng ACB, kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm nay, khoản trích lập nợ xấu này sẽ được hoàn nhập lại. Hiện KBSV dự phóng tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Ngân hàng ACB trong cả năm nay ở mức thận trong là 1,15%, so với mức 0,74% của năm 2022.

Biến động tỷ lệ NIM của Ngân hàng ACB theo từng quý. (Nguồn: Ngân hàng ACB, KBSV)

Xem thêm: "Ngân hàng VPBank (VPB): Kỳ vọng NIM phục hồi mạnh và FE Credit có lãi từ năm sau" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng ACB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8.024 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp tới 6.246 tỷ, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ.

KBSV dự phóng tổng thu nhập lãi thuần và lãi ròng cả năm 2023 của Ngân hàng ACB lần lượt là 25.093 tỷ đồng và 15.727 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,6% và tăng 14,9% so với mức thực hiện của năm 2022. Tỷ lệ NIM của năm 2023 dự báo đạt 4,04%, so với mức 4,26% của năm 2022.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 9/10, thị giá cổ phiếu ACB đạt 22.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 19% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Tin khác