Nâng hạng thị trường trong bối cảnh vốn ngoại biến động
Biến động vì nhiều yếu tố
Mặc dù đã có những phiên trở lại mua ròng tích cực, nhưng với áp lực bán mạnh bluechip, khối ngoại vẫn bán ròng gần 1.700 tỷ đồng trong tuần có 4 phiên giao dịch vừa qua (từ ngày 8-11/4). Thống kê trên sàn HoSE và sàn HNX, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 2 phiên. Cụ thể, trên sàn HoSE, khối này đã bán ròng 35,73 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.332,1 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,44 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 125,53 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5,5 lần về lượng và tăng 130,5% về giá trị so với tuần trước.
Thông thường, trong giai đoạn tích cực để nâng hạng (như Việt Nam hiện nay), các nhà đầu tư nước ngoài thường đổ ròng vào thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng khá mạnh. TS. Phan Phương Nam, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh lý giải, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất chậm hơn dự kiến đã khiến cho dòng vốn có xu hướng chảy ngược về các thị trường an toàn hơn, thay vì đổ vào các thị trường cận biên và mới nổi. Những bất ổn tiềm tàng từ nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp phần làm gia tăng tâm lý thận trọng.
Chính điều này đã khiến cho nhiều quỹ đầu tư quốc tế co cụm, giảm phân bổ vốn vào các thị trường cận biên, mới nổi - nơi vốn được xem là nhạy cảm với biến động địa chính trị. Cùng với đó, tỷ suất sinh lời từ hoạt động đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn như một số thị trường phát triển khác. Thêm nữa, giá đồng USD tăng hơn cũng khiến các tổ chức này phải chịu thêm phần bù chi phí. Điều này khiến nhiều quỹ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư sang những thị trường có tỷ suất sinh lời cao hơn.
Việc vốn ngoại vào - ra là diễn biến bình thường của thị trường tài chính toàn cầu
Nâng hạng là nâng chất của thị trường
Một số chuyên gia lo ngại, những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới đây. Ông Hà Duy Tùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, diễn biến thị trường thời gian qua chịu những tác động từ chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua không xảy ra tình trạng bán ròng bất thường của khối ngoại. Thống kê gần đây nhất, tổng giá trị bán ròng chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại - được đánh giá là tỷ lệ tương đối nhỏ.
Ông Tùng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề kỹ thuật, trong đó bao gồm đối thoại, xúc tiến đầu tư… để các tổ chức nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm nay.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng hạng, không chỉ cần đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật mà còn phải nâng cao trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư trên thị trường. Do đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục thúc đẩy những cải cách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.
Việc nâng hạng thị trường là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự cải thiện liên tục về chất lượng thị trường, minh bạch thông tin và khả năng tiếp cận vốn. Việc đạt được trạng thái thị trường mới không chỉ là một mục tiêu mang tính kỹ thuật, mà còn phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. “Nâng hạng thị trường sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình về chất của thị trường chứng khoán. Đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, mà còn đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư để cùng xây dựng một thị trường ổn định, minh bạch và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Chia sẻ về xu hướng dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, ông Chi thông tin, việc vốn ngoại vào - ra là diễn biến bình thường của thị trường tài chính toàn cầu. Tổng hợp trong quý I/2025, dòng vốn rút ra nhiều hơn dòng vốn vào nhưng đây không phải là tín hiệu tiêu cực, mà cần xem xét trong bối cảnh rộng hơn. Các yếu tố như chiến lược đầu tư, chính sách của từng quỹ hay tâm lý thị trường đều có thể ảnh hưởng đến xu hướng này.
Hương Giang