Nâng cao vai trò ngân hàng tại trung tâm tài chính quốc tế
Trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (TTTC) tại TPHCM và Đà Nẵng, sự hiện diện của các NH quốc tế đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao uy tín và kết nối với các thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Nhờ vào mạng lưới hoạt động rộng khắp, các NH toàn cầu có thể cải thiện thứ hạng của TTTC của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế (1).
Ngoài ra, với kinh nghiệm thiết kế và vận hành hệ thống hạ tầng tài chính, các NH lớn như JP Morgan, Bank of America hay Deutsche Bank có thể hỗ trợ phát triển hệ thống thanh toán bù trừ hiện đại, tạo nền tảng cho một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế.
Do hầu hết các NH quốc tế hoạt động theo mô hình Tập đoàn Tài chính ngân hàng (Bank Holding Company), họ có thể thu hút các chi nhánh khác như NH đầu tư, quản lý tài sản và bảo hiểm cũng như các sản phẩm tài chính mới như tài chính xanh, giao dịch tài sản số và mã hóa, tham gia vào thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái tài chính thông minh, toàn diện và bền vững (2).
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính Việt Nam, hiện nay các NH nước ngoài vẫn gặp nhiều hạn chế về quy mô hoạt động, mạng lưới chi nhánh và khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ. Khối NH này chủ yếu phục vụ doanh nghiệp lớn, trong khi việc mở rộng dịch vụ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế.
Quy định pháp lý chặt chẽ, đặc biệt là giới hạn sở hữu tối đa 30% cổ phần trong NH nội địa (tối đa 20% cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài), cũng làm giảm khả năng mở rộng ảnh hưởng của khối ngoại (3). Kể từ ngày 19-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 49%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho một số ít các NH nội đáp ứng đủ điều kiện (4).
Dựa trên phân tích dữ liệu hệ thống NH của các quốc gia trong khối ASEAN trong bảng dưới đây, chúng tôi đề xuất phương án mở rộng hơn nữa tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt là ngân hàng quốc tế, tại các NHTM Việt Nam (5). Trước mắt, có thể áp dụng tỷ lệ 49% cho nhiều NH, và trong lộ trình dài hạn có thể xem xét điều chỉnh lên tới mức 60% hoặc cao hơn.
Việc nới lỏng biên độ sở hữu không chỉ kích hoạt làn sóng giao dịch sôi động trong giai đoạn đầu, mà còn tạo động lực phát triển lâu dài và bền vững cho thị trường tài chính Việt Nam, đưa hệ thống NH tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Trong ngắn hạn, việc cho phép NH quốc tế tiếp cận thị trường nội địa thông qua sở hữu cổ phần của các NH trong nước có thể được sử dụng như một phương thức “trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư vào TTTC.
Nguồn: Thông tin tổng hợp từ Hiệp hội Ngân hàng ASEAN; Ngân hàng Phát triển châu Á; Ngân hàng Trung ương các nước Indonesia, Malaysia, Philippine và Thái Lan; NHNN Việt Nam và Công ty Tài chính quốc tế (IFC)
Nguồn: Thông tin tổng hợp từ Hiệp hội Ngân hàng ASEAN; Ngân hàng Phát triển châu Á; Ngân hàng Trung ương các nước Indonesia, Malaysia, Philippine và Thái Lan; NHNN Việt Nam và Công ty Tài chính quốc tế (IFC).
Trong dài hạn, việc tăng tỷ lệ sở hữu của các đối tác chiến lược nước ngoài trong hệ thống NH Việt Nam không chỉ giúp mở rộng quy mô mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời góp phần giảm chi phí vốn. Các NH nước ngoài có thể huy động vốn từ NH mẹ ở nước ngoài với lãi suất cạnh tranh, từ đó đầu tư hiệu quả vào Việt Nam cũng như các thị trường trong khu vực.
Mặt khác, các NH nội địa sẽ có cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn dồi dào, kinh nghiệm và các công nghệ quốc tế (về số hóa NH, ứng dụng fintech, blockchain, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ bảo mật) cũng như khả năng quản lý rủi ro minh bạch (tiêu chuẩn Basel III), giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu (6).
Bên cạnh lợi ích tài chính, sự tham gia sâu rộng hơn của các định chế tài chính quốc tế còn tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính - NH (7).
Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hạ tầng tài chính, mà còn gia tăng khả năng kết nối của Việt Nam với chuỗi giá trị tài chính toàn cầu, giúp hệ thống ngân hàng vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệu ứng lan tỏa từ sự hợp tác này sẽ củng cố vị thế của TTTC quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực về tài chính và đầu tư.
Nhóm chuyên gia của VIS gồm có GS.TS Đặng Việt Anh, Đại học Manchester; PGS.TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol; PGS.TS Nguyễn Hoài Linh, Đại học St Andrews; GS.TS Nguyễn Huy Tâm, Đại học Nottingham Trent; GS.TS Bùi Thị Minh Hồng, Đại học Bath và IPAG; GS.TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln; GS.TS Lê Võ Phương Mai, Đại học Cardiff.
Chú thích:
(1): Theo báo cáo GFCI37 được công bố vào tháng 3, TTTC TPHCM được xếp hạng 98 trên tổng số 119 TTTC toàn cầu. Nguồn: https://www.longfinance.net/media/documents/GFCI_37_Report_2025.03.20_v1.1.pdf
(2): ‘Một góc nhìn về cấu trúc tổ chức của các tập đoàn tài chính NH tại Hoa Kỳ’. Tác giả: Dafna Avraham, Patricia Selvaggi, và James Vickery. Tạp chí ‘Chính sách Kinh tế’, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, chi nhánh New York, số tháng 7/2012. Nguồn: https://www.newyorkfed.org/medialibrary/media/research/epr/12v18n2/1207avra.pdf
(3): ‘Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam’. Nghị định 01/2014/NĐ-CP, ngày 03/01/2014. Nguồn: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2014/01/01-nd.pdf
(4): ‘Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3-1-2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam’. Nghị định 69/2025/NĐ-CP ngày 18-3-2025. Nguồn: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2025/3/69-cp.signed.pdf
(5): ‘Làm thế nào sở hữu nước ngoài có thể hỗ trợ tái cấu trúc và phục hồi ngành tài chính’. International Finance Company. Tháng 06/2021. Nguồn: https://www.ifc.org/content/dam/ifc/doc/mgrt/41-vn-bank-restructure-mike-bill-eng.pdf
(6): ‘Sự tham gia của ngân hàng nước ngoài và khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển’. Tác giả: George R.G. Clarke, Robert Cull và María Soledad Martínez Pería. Tạp chí: Journal of Comparative Economics, số 4 năm 2006. Nguồn: https://doi.org/10.1016/j.jce.2006.08.001
(7): ‘Sự tham gia của ngân hàng nước ngoài tại các nước đang phát triển: Chúng ta biết gì về các yếu tố thúc đẩy và hệ quả của hiện tượng này?’. Tác giả: Robert Cull và María Soledad Martínez Pería. World Bank Policy Research Working Paper, số 5398 năm 2010. Nguồn: https://openknowledge.worldbank.org/entities/publication/fcd23d8b-f9c8-53ec-a380-163d1b37fd81
Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland (VIS)