'Nam châm' hút vốn ngoại vào chứng khoán Việt
Gia tăng vốn ngoại, cải thiện thanh khoản thị trường
Theo Chuyên gia Khối Phân tích, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT ông Vũ Mạnh Hùng, trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán trừ khi có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi. Việc này dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền từ việc bán chứng khoán được thanh toán trước khi thực hiện các giao dịch mua tiếp theo. Theo quy định của Việt Nam, tiền từ việc bán cổ phiếu chỉ được thanh toán và có thể tái đầu tư vào sáng ngày T+2.
Ông Vũ Mạnh Hùng đánh giá có ba tác động tiềm ẩn đến từ việc chấp thuận đặt lệnh không cần đủ tiền đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm: Thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế; kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam; và cải thiện thanh khoản thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, rủi ro hệ thống cũng sẽ tăng lên. Các công ty chứng khoán có khả năng chịu rủi ro thanh toán. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các công ty chứng khoán bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường.
Ông còn cho rằng, phục vụ khách hàng tổ chức nước ngoài sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán. Ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn nhờ gia tăng thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng.
Bên cạnh những lợi ích, còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 sau khi mua.
Do đó, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ kí quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.
VNDIRECT đánh giá rủi ro này thấp khi xét đến uy tín của các tổ chức nước ngoài và mục tiêu lâu dài là duy trì đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, VNDIRECT tin rằng các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh dựa trên: Phí giao dịch; tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); tổng giá trị vốn được ứng trước; và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với yếu tố đầu tiên, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch.
Đối với yếu tố thứ hai, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh.
Yếu tố thứ ba sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.
VNDIRECT tin rằng yếu tố thứ ba sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá năm lần.
Theo ông Hùng, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tiến gần hơn đến nâng hạng thị trường
Một tác động nữa đến thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng vốn nước ngoài dự kiến sẽ đổ vào các cổ phiếu Việt Nam. Yêu cầu đủ tiền trước khi giao dịch là một trong những nút thắt chính ngăn cản thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Thông tư 68/2024/TT-BTC dự kiến sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các điều kiện cốt yếu để nâng hạng. VNDIRECT kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường Mới Nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026.
Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư mô phỏng các chỉ số này sẽ phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam. Mức đầu tư sẽ phụ thuộc vào chiến lược phân bổ của từng quỹ. Các cổ phiếu dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số FTSE và MSCI.
Cẩm Vân