1. Tài chính

Mỹ Latinh kiên cường trước những 'cú sốc' toàn cầu

Mỹ Latinh kiên cường trước những “cú sốc” toàn cầu. Ảnh: THX/TTXVN.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu năm 2008, ông Guillermo Ortiz, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico lúc bấy giờ, đã khẳng định: “Lần này không phải là chúng tôi”.

Phát biểu của ông Ortiz được cho là thay mặt cho các nền kinh tế mới nổi, vốn đã quen thuộc với việc là trung tâm của các vấn đề kinh tế vĩ mô. Ngày nay, quan điểm này thậm chí còn đúng hơn: Hầu hết các nước Mỹ Latinh không chỉ kiên cường trước các cú sốc đáng kể trong ba năm qua – bao gồm đại dịch COVID-19, lạm phát toàn cầu tăng, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn – mà thậm chí họ còn phản ứng lại với các chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp.

Trong khi những thách thức lớn vẫn tồn tại, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế thấp và mức nợ cao, việc giải quyết các khó khăn đã trở nên khả thi hơn, khi nhiều nước Mỹ Latinh có khuôn khổ kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và hiệu quả.

Hơn nữa, Mỹ Latinh còn đang nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cơ quan này đã làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, nhằm duy trì động lực phản ứng mạnh mẽ của các chính phủ với những thách thức hiện tại. Mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải khai thác các cơ hội chuyển đổi năng lượng, mở cửa nền kinh tế hơn nữa, nắm bắt cơ hội hưởng lợi từ thương mại toàn cầu và tăng cường mạng lưới an toàn hiện có.

*Hành động kịp thời

Giống như nhiều quốc gia khác, các nước Mỹ Latinh phải gánh chịu thâm hụt ngân sách đáng kể trong năm 2020. Điều này phản ánh sự kết hợp giữa tăng chi tiêu quá mức, trong khi doanh thu giảm. Nhưng đó là thời điểm đặc biệt cần có các phản ứng bổ sung từ chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Điều quan trọng là phải bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân.

Đáng chú ý là không giống như nhiều đối tác khác trên toàn cầu, hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh đã kịp thời thu lại những khoản mở rộng tài chính khổng lồ, được triển khai trong thời kỳ đại dịch.

Vào năm 2020, thâm hụt tài chính của năm nền kinh tế lớn, bao gồm Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru, được gọi là LA5, đã tăng 6 điểm phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi khu vực Mỹ Latinh rộng lớn hơn chứng kiến mức tăng 4 điểm phần trăm GDP. So sánh với mức tăng 7 điểm phần trăm GDP của các nền kinh tế phát triển và hơn 5 điểm phần trăm GDP ở những nền kinh tế mới nổi thuộc các khu vực khác, con số này không phải là quá lớn.

Sự khác biệt đáng chú ý nhất xuất hiện vào năm 2021 và 2022. Trong khi các nước LA5, và thực tế là gần như toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, đã rút toàn bộ biện pháp kích thích tài khóa hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch, thì các nước tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi khác vẫn sử dụng nguồn tài chính công để duy trì một phần đáng kể cho tăng trưởng, khoảng 3 điểm phần trăm GDP. Việc dừng sớm chiến lược “cung tiền” rộng rãi không chỉ góp phần giảm tỷ lệ nợ công trên GDP mà còn giúp các nước Mỹ Latinh kiềm chế được lạm phát.

Trên thực tế, trước làn sóng lạm phát toàn cầu gia tăng lớn nhất kể từ khi áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu, các nước Mỹ Latinh đã hành động hết sức nhanh chóng, tăng lãi suất sớm hơn và lên mức cao hơn so các nước khác. Giờ đây, khi lạm phát đang giảm, trong bối cảnh tiền tệ tăng giá, cuộc thảo luận hiện tại của Mỹ Latinh là về tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai, thay vì tiếp tục xoay quanh việc có tiếp tục tăng lãi suất hay không, như những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế phát triển.

Cần lưu ý là kỳ vọng lạm phát trung hạn của các nước Mỹ Latinh ít thay đổi. Điều này nhấn mạnh về độ tin cậy của khuôn khổ mục tiêu lạm phát mà Mỹ Latinh đã xây dựng được. Hơn nữa, khu vực này không phải chịu bất kỳ căng thẳng tài chính đáng kể nào, mặc dù tỷ giá hối đoái biến động mạnh. Thành công đó có thể là do quy định và giám sát tài chính được cải thiện trong hai thập kỷ qua, giảm bớt đáng kể nỗi lo ngại về việc các chính phủ thả nổi tỷ giá hối đoái, cũng như khu vực tư nhân đã phần nào giảm thiểu và quản lý tốt hơn những rủi ro có thể xảy ra do thả nổi tỷ giá hối đoái.

Mặc dù vẫn còn sự khác biệt giữa các nước và tiềm năng đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô chưa đủ lớn, nhưng sự chuyển đổi của Mỹ Latinh từ tình huống bị bao vây bởi các vấn đề kinh tế, sang vị thế hiện tại là đáng chú ý và đáng khích lệ.

*Thách thức phía trước

Tất nhiên, thành công trong quản lý kinh tế vĩ mô gần đây không có nghĩa là Mỹ Latinh đã không còn thách thức và khó khăn.

Một vài nền kinh tế đang vật lộn với nợ công quá mức và thách thức này còn lan rộng đến cả những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực. Thách thức đã xuất hiện trước đại dịch, với xu hướng đi lên đáng lo ngại, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực để đảm bảo tính bền vững. Nhiệm vụ của các chính phủ sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi hơn.

Đáng lo ngại hơn, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đang phải đối mặt với những rủi ro đáng kể, phát sinh từ các chính sách kinh tế vĩ mô thiếu bền vững. Giải quyết những rủi ro này không hề đơn giản, đặc biệt khi chủ nghĩa ngắn hạn đang thống trị. Tuy nhiên, có một số quốc gia đã thành công trong việc xây dựng lại khuôn khổ kinh tế vĩ mô, nhờ sự hỗ trợ đáng kể của IMF.

Ngoài ra còn có những thách thức sâu sắc hơn, đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp trong toàn khu vực, bao gồm: Nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn và khắc phục tình trạng năng suất trì trệ; cải thiện sự phân bổ thu nhập và quyền lực không đồng đều giữa các tầng lớp xã hội và người dân; góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động của nó; kiềm chế sự gia tăng tội phạm và giảm bớt tình trạng bất ổn - mối quan tâm luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc khảo sát của người dân; và thích ứng với tự động hóa, robot hóa và số hóa.

Việc giải quyết những thách thức này cần bắt đầu bằng một nền tảng kinh tế vĩ mô hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể đạt được, minh chứng qua thành công của một số quốc gia Mỹ Latinh trong những năm gần đây./.

Diệu Linh (Theo Eurasia Review)

Tin khác