Một số tổ chức tín dụng 'chạy sô' tăng tưởng sẽ xử lý thế nào?
Xử lý thế nào về tình trạng “chạy sô” tăng trưởng
Đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như nào tình trạng “chạy sô” tăng trưởng của một số TCTD? Ngoài ra, giải pháp nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN Việt Nam thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, nhưng có một chức năng nữa đó là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Vì vậy, theo bà Hồng, mục tiêu điều hành của NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết.
“Nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó. Do vậy, NHNN căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua NHNN đã quyết định phải sử dụng công cụ là room tín dụng để hạn mức tín dụng”, bà Hồng nói.
Thống đốc cũng cho biết tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%. Điều này dẫn đến rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.
Theo đó, NHNN Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. Khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các TCTD, NHNN đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD. NHNN thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.
Giải pháp nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn?
Tham gia chất vấn, các đại biểu cũng cho hay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng đối với Việt Nam, nhu cầu đặc thù đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện đã chiếm hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, NHNN đã hết sức cân nhắc.
Đối với vấn đề giải quyết về vốn, liên quan đến giải pháp về tín dụng, Thống đốc cho biết hiện có rất nhiều nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ (hiện đã có cơ chế doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý)…
Do đó, bà Thị Hồng cho rằng bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, doanh nghiệp và người dân phải có phương án kinh doanh khả thi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9.2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%- gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Theo bà Hồng, để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo các TCTD phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các TCTD đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.
Nhiều khó khăn trong triển khai tín dụng xanh
Trả lời đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) liên quan đến tín dụng xanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết bảo vệ môi trường là vấn đề rất quan trọng trong phát triển bền vững và được các nước trên thế giới cũng quan tâm.
Theo đó, NHNN đã ban hành các chỉ thị, văn bản để khuyến khích các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro về môi trường khi các TCTD cấp tín dụng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết NHNN đã ban hành các kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tăng trưởng xanh.
Năm 2017, từ chỉ có 5 TCTD tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650 nghìn tỉ đồng, trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%. Đặc biệ,t dư nợ tín dụng mà các TCTD khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỉ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng chỉ rõ, hiện NHNN cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì hệ thống ngân hàng cần được hướng dẫn của các cơ quan, bộ ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để các TCTC khi cấp tín dụng căn cứ vào đó.
‘Còn đối với đầu tư vào lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kì hạn dài, đây chính là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn”, bà Hồng nói.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện triển khai theo đúng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại xanh thì NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh và NHNN sẽ theo dõi thực hiện, đánh giá rủi ro về môi trường, nếu có vướng mắc phát sinh thì NHNN sẽ tiếp tục chỉnh sửa.
Lam Thanh